Cùng với Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang còn gọi là Thiên Quang tỉnh tức "giếng soi ánh sáng bầu trời” có tổng diện tích khoảng 900m2, niên đại gần 950 năm, là một hạng mục có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hoá, lịch sử, có vị trí quan trọng trong Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trải qua thời gian dài, hiện tại giếng Thiên Quang không tránh khỏi sự xuống cấp, không chỉ đe dọa tính bền vững của công trình mà còn ảnh hưởng tới kết cấu, mỹ quan của nhiều công trình kiến trúc liên quan trong tổng thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Vừa qua, hạng mục này đã có dấu hiệu bị sụt lún nền móng, trôi trượt, làm giảm khả năng chịu lực. Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho biết, vào lúc 16h45 ngày 27/3/2017, tại khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của đoạn tường lan can (dài khoảng 10m) bao quanh hồ, khu vực đối diện với cổng Đại Trung bị trôi ra, làm cho đoạn tường có nguy cơ bị đổ xuống. Hiện tượng này cũng đã diễn ra tại khu vực đối diện với Khuê Văn Các lúc 11h15 ngày 28/3/2017.
Sau khi phát hiện sự việc, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẩn trương tiến hành các biện pháp xử lý. Trước mắt, Trung tâm đã cho che bạt, làm hàng rào quanh công trình, đồng thời tổ chức phân luồng, đặt biển cảnh báo khách tham quan không lại gần khu vực đang xảy ra sự cố.
Những phần việc này được thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho du khách cũng như hạn chế những tác động có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự tồn tại của di tích.
Theo ông Kiêu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ảnh hưởng lên xuống của mực nước, nền đất yếu dễ bị cuốn theo gây sạt lở, hàng gạch cuối cùng dưới đế móng hiện tại đã bị lún tụt khiến nước tràn vào bên trong đế móng gây xói mòn đất bên dưới đế móng, khiến cho móng càng dễ bị lún sụt dẫn đến phá hủy công trình…
“Đây là lần đầu tiên giếng bị sụt lún móng, hiện nay đơn vị đang khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành Báo cáo tu sửa cấp thiết Giếng Thiên Quang để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai công việc trong thời gian sớm nhất” – ông Kiêu nói.
Theo các chuyên gia, nhà văn hóa lịch sử, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai công tác tu bổ, cải tạo giếng Thiên Quang bởi tính cấp thiết của sự việc. Theo phương án tu bổ cấp thiết, các bộ phận công trình chưa bị hỏng sẽ được giữ nguyên, phần móng hư hỏng được gia cố và kè bằng đá hộc, chắn đất, chống sạt lở chân móng…