Làng Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội), nơi có nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa với nhiều mẫu hoa văn đẹp và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Theo thần phả làng Vạn Phúc lưu tại viện Hán Nôm có ghi: Vào giữa thế kỷ thứ IX, bà Ả Lã Đê Nương (niên hiệu sắc phong Nga Hoàng Đệ Nhị Vương Phi) du ngoạn đất này, thấy nơi đây sông núi uốn khúc, dân làng thuần hậu, bà đã ở lại dạy dân chúng trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Sau khi bà mất, dân làng tôn bà là Thành Hoàng làng lấy ngày sinh của bà (15/8 âm lịch) và ngày mất (25 tháng chạp) để tế lễ và giỗ tổ nghề.
Lụa Vạn Phúc từng được lựa chọn để may quốc phục giữa các đời vua nhà Nguyễn, và đã hai lần mang đi dự hội đấu xảo tại Marseille và Pari (Pháp) giành nhiều huy chương thời Pháp thuộc, thương hiệu lụa Vạn Phúc “lụa hàng Hà Đông” đã trở lên nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới biết đến. Trải qua hơn 1000 năm, nghề dệt lụa được cha truyền con nối, ngày nay dân làng Vạn Phúc đã dệt được hơn 70 loại sản phẩm vải lụa, vải gấm khác nhau, sản phẩm lụa quý đã tạo lên danh tiếng vượt tầm quốc gia.
Trong cơ chế nền kinh tế thị trường, nhiều làng nghề dệt lụa truyền thống đã phải tìm ra cho mình một hướng đi để tồn tại và phát triển. Vạn Phúc là một trong những làng nghề đã thành công trong việc tìm hướng đi mới là bảo tồn nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch.
Bên dòng Nhuệ giang, làng Vạn Phúc vẫn lưu giữ những nét xưa của một làng quê Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình
Đền thờ Tổ nghề làng lụa Vạn Phúc
Quá trình tằm nhả tơ và tạo thành kén
Tơ được se thành những cuộn nhỏ để tiện cho công việc dệt lụa
Sau đó được ngâm trong nước để có độ mềm mại khi dệt
Nối tơ -một kỹ thuật khéo léo của người thợ dệt Vạn Phúc
Năm 2010, Tp.Hà Nội đã quy hoạch và đầu tư xây dựng Vạn Phúc thành làng nghề du lịch trọng điểm với các chương trình, giới thiệu, quảng bá chào đón du khách như: hệ thống biển hiệu tiếng nước ngoài, các khu giới thiệu các công đoạn làm ra tấm lụa tơ tằm Vạn Phúc…
Du khách thăm quan xưởng sản xuất của nghệ nhân Triệu Văn Mão, người có công khôi phục 21 loại lụa cổ vốn đã bị mai một theo thời gian, trong đó có những loại vân quý hiếm như lụa vân quê, hồng điệp, vân trường thọ, tứ quý, vân long phượng, lụa vân sa tanh, bát bửu…
Một cửa hàng bán lụa tại trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao
Lụa tơ tằm Vạn Phúc với các ưu điểm đặc trưng mềm mại, óng ả, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Hoa văn trên lụa được trang trí đối xứng với nhiều gam mầu nhẹ nhàng, hoặc rực rỡ, đường nét hoa văn tinh tế, hấp dẫn
Sản phẩm vải lụa giới thiệu và bày bán tại một cửa hàng
Một góc làng chuyên bán các sản phẩm lụa Vạn Phúc
Về quê lụa du khách không chỉ mua được các sản phẩm tơ tằm bền đẹp mà còn được thăm quan, tìm hiểu quy trình sản xuất, chế tác sản phẩm, hay trò truyện với các nghệ nhân. Đây là nét độc đáo trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống của làng nghề với du khách trong và ngoài nước khi tới Thủ đô