Người H’Mông se lanh, dệt vải

Thứ sáu, 23/02/2018 22:55
(ĐCSVN) - Bao đời nay, công việc se lanh, dệt vải đã trở thành biểu tượng cho sự cần cù, khéo léo, tinh tế người phụ nữ dân tộc H’Mông. Những bộ trang phục truyền thống đa sắc màu còn tô điểm cho sức sống của người H’Mông trên vùng cao phía Bắc tổ quốc.

Nghề se lanh dệt vải đã hình thành từ xa xưa trong cộng đồng dân tộc H’Mông, tỉnh Hà Giang. Đến độ tuổi trưởng thành, người phụ nữ H’Mông ai cũng biết se lanh dệt vải để phục vụ cuộc sống gia đình.

Để làm ra bộ quần áo theo đúng phương pháp truyền thống họ phải trải qua những công đoạn công phu, cầu kỳ. Cây lanh sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô, tước vỏ rồi cho vào cối để giã cho mềm. Sau đó nối sợi, công đoạn tuy đơn giản này lại đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo, kỹ thuật chính xác nâng đến tầm nghệ thuật. Để tạo một mối nối, họ phải tước vỏ lanh cùng một cỡ, trình tự hợp lý để nối vỏ lanh lại là nối ngọn với ngọn, gốc với gốc. Hai đầu đoạn vỏ lanh được xoắn vào nhau và se dọc theo chiều dài của vỏ về hai phía. Nối được bao nhiêu họ lại quấn vào lòng bàn tay tạo thành cuộn. Sau khi nối, cuộn vỏ lanh được ngâm trong nước rồi se thành sợi. Khi đó chúng vẫn có màu nâu nhạt của vỏ, người ta sẽ luộc sợi cùng tro của cây gỗ trai để tẩy trắng.

Người H’Mông có kỹ thuật nhuộm và tạo hoa văn độc đáo. Để tạo độ bền, đẹp của sợi họ luộc sợi cùng với nước sôi pha sáp ong rồi đem đi ép hết nước. Sau khi sơ chế họ đem sợi ra phơi lên một chiếc dàn phơi, quay và gỡ những sợi lanh để không bị rối. Đến lúc này việc chế biến sợi nguyên liệu dệt được hoàn thành, sợi được đưa vào khung dệt thành vải, in hoa văn, nhuộm màu, để chế tác những bộ trang phục truyền thống.

 

Không chỉ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, những phụ nữ Mông Hoa, huyện Quản Bạ (Hà Giang) coi đó là một công việc truyền thống, một tinh hoa văn hóa tạo ra sự khác biệt trong cách ăn mặc với các dân tộc khác trong vùng.


Phụ nữ Mông Hoa, thêu hoa văn trong ngày hội Xuân.


Cây lanh có một vai trò vô cùng quan trọng đối với người Mông, nó được xem như là một nguyên liệu hữu dụng để dệt vải, mà từ xa xưa đến nay vẫn được người Mông ưu chuộng.


Se sợi từ vỏ cây lanh là công đoạn mất nhiều thời gian nhất trong quá trình dệt vải. Vì vậy hình ảnh dễ gặp trong đời sống người H’Mông là những người phụ nữ luôn tay tranh thủ nối sợi trước cửa nhà, trên đường lên rẫy, hay xuống chợ...


Khung dệt thủ công người H’Mông (Hà Giang) mang đặc điểm khác biệt so với nhiều loại khung dệt

của dân tộc khác.


Để tạo nên hoa văn vải dệt từ lanh, phụ nữ Mông Hoa dùng kỹ thuật vẽ sáp ong. Một kỹ thuật đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm lâu năm, thường do người già đảm nhận.


Họ đun nóng sáp rồi dùng bút nhúng sáp nóng chảy vẽ trực tiếp lên vải. Không giống như nhiều người lầm tưởng sáp ong tạo ra màu sắc mà thật do không ngấm nước sáp sẽ giữ được màu ban đầu của vải khi đem nhuộm.


Để tạo ra hoa văn có màu chàm đậm nhạt, họ lại vẽ sáp lên vải màu chàm đã nhuộm rồi tiếp tục nhuộm để ra kết quả phần không dính sáp ong sẽ là màu chàm đậm. Cứ thế tùy theo nhu cầu, họ sẽ thực hiện công việc này nhiều lần để tạo nên hoa văn đường nét khác nhau trên vải.


Để tạo họa tiết màu trắng trên nền chàm họ vẽ sáp lên tấm vải mới dệt, để khô rồi nhúng chàm. Nhuộm xong, đem vải phơi khô rồi giặt nước nóng tẩy sáp. Phần phủ sáp ong sẽ giữ được màu trắng nguyên thủy.


Từ những tấm vải lanh đượm mồ hôi công sức, những người phụ nữ Mông Hoa 

 đã tạo ra những bộ trang phục,tinh xảo, cầu kỳ.


Thiếu nữ Mông Hoa trong trang phục truyền thống đậm bản sắc dân tộc mình.


Trải qua bao thăng trầm đến nay nghề “canh cửi” vẫn được những người phụ nữ dân tộc H’Mông gìn giữ, đó là một minh chứng về giá trị thẩm mỹ một dân tộc giàu truyền thống văn hóa nơi địa đầu của Tổ quốc.

Nguyễn Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực