Người Dao Quần Chẹt sinh sống lâu đời và tập trung thành làng, bản tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trải qua quá trình dài sáng tạo và phát triển vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, với những đặc trưng riêng của người Dao, như: ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, nhạc cụ, mỹ thuật... trong đó nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu là nghi lễ: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Tết nhảy, trong đó Tết nhảy là một trong những nghi lễ quan trọng bậc nhất của người Dao.
Mới đây, trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2019, diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), các chủ thể văn hóa đến từ tỉnh Tuyên Quang đã giới thiệu với công chúng lễ thức độc đáo này.
Theo phong tục, đồng bào Dao ăn Tết trước tết Nguyên Đán nửa tháng và vui Tết đến hết rằm tháng Giêng. Trong một năm, người Dao Quần Chẹt có nhiều Tết như Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), Tết Hàn thực (3/3 Âm lịch), Tết Đoan ngọ (5/5 Âm lịch), song Tết nhảy và Tết Nguyên đán vẫn là lớn nhất.
Theo tục lệ, Tết nhảy tổ chức tại “Nhà cái” (nhà có bàn thờ tổ). Đây là việc của mỗi gia đình, nhưng cả bản chung tay góp sức, nên được coi như Tết chung của cả bản, làng.
Tết nhảy hay “Nhiang chằm Đao” là nghi lễ cúng Bàn Vương - thủy tổ của dân tộc Dao, nhằm tạ ơn tổ tiên và các vị thần. Tết nhảy tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến 25 tháng Chạp, thời gian lễ hội diễn ra đầy đủ là khoảng 3 ngày 3 đêm, mỗi chu kỳ Tết nhảy từ 15 - 20 năm, với mong ước con người sẽ vượt qua gian khó, đoàn kết chống lại các thế lực làm hại đến đời sống yên lành và cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.
Các thầy cúng dân tộc Dao mặc lễ phục trong Tết nhảy.
Tết nhảy gồm các nghi lễ: Cúng Tết Nguyên đán; cúng chuyển tiếp (Cúng từ Tết Nguyên đán sang Tết nhảy); khai đàn. Lễ vật dâng tế gồm: Hương, hoa, đăng, quả, thủ lợn, gà, xôi, bánh giầy, rượu, nước, tiền đồng xu, cờ các loại, dao thờ… Đội cúng tế gồm 3 người, 1 người là thầy cúng, 2 người phụ giúp chủ Lễ.
Thầy cúng tiến hành các nghi lễ cúng Bàn Vương.
Nét đặc sắc trong Tết nhảy là phần lễ và hội cùng đan xen nhau, những người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ. Đầu tiên là múa bài Thượng đàn, mỗi người cầm một thứ dụng cụ như: Chuông, thanh la, trống, chiêng, gậy thờ… vừa múa, vừa hát, sau đó là múa kiếm.
Múa kiếm - điệu múa có ý nghĩa mở đường, dọn đường, quét đường...
Múa chuông thể hiện sự thành kính, tạ ơn tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cuộc sống cho dân làng, dòng tộc, bày tỏ ước muốn các thành viên gia đình mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi.
Múa rùa diễn tả các động tác tìm, bắt, trói rùa, ba ba về dâng cúng Bàn Vương và các vị thần, tổ tiên. Điệu múa thể hiện lòng can đảm, sự rèn luyện gian nan mới có được thành công.
Những nghi thức trong Lễ.
Sau khi các điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm kết thúc, thày Lễ đọc bài chiêu binh, chiêu lúa gạo khao quân, múa tiễn các loại ôn dịch, rồi chia tiền, hóa tiền giấy, ngựa… tiễn đưa các vị thần.
Thày Lễ thực hiện nghi thức lễ ngoài trời, kết thúc lễ hội trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la rộn rã báo hiệu một kỳ lễ hội thành công.
Tết nhảy là một phong tục truyền thống thể hiện đời sống tinh thần của người Dao Quần Chẹt, có ý nghĩa to lớn trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần làm cho bức tranh văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.