Với lịch sử làng nghề hơn 700 năm, Phù Lãng nổi tiếng với các sản phẩm gốm gia dụng như vại, ấm, nồi, chum, chậu hoa, đôn cảnh, tiểu quách. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ bắt nhịp với thị hiếu thị trường, Phù Lãng đã phát triển dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ. Với lòng yêu nghề, sức sáng tạo, trên chất liệu truyền thống, một diện mạo mới được tạo lên bằng cách thay đổi kiểu dáng, thêm vào họa tiết, hoa văn trang trí trên sản phẩm.
Tiếp lửa cha ông, Phù Lãng hôm nay có nhiều nghệ nhân trẻ, giàu nhiệt huyết với nghề như các nghệ nhân Vũ Hữu Nhung, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Đức Thịnh… trong đó nhiều người được đào tạo cơ bản tại các trường Đại học Mỹ thuật, họ đã đem lại nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng nghề. Trong số những người đi tiên phong cách tân có nghệ nhân trẻ Phạm Tự Tại, Giám đốc xưởng Gốm Tại, là người tạo bước đột phá về màu sắc cho sản phẩm gốm mà vẫn giữ được nét truyền thống, góp phần giúp nghề gốm Phù Lãng vượt qua giai đoạn “ngủ quên”.
Theo anh Nguyễn Minh Ngọc, chủ cơ sở gốm Ngọc: gia đình anh đã có hơn 50 năm làm gốm, được truyền từ đời ông, cha. Trước kia các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, do vậy không đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Nhờ nắm bắt được xu hướng phát triển của thị trường, từ năm 2002, gia đình anh mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí, trưng bày. Hiện nay, cơ sở của anh có hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: đèn, bình hoa, đôn, phù điêu… Đặc biệt, những chiếc lọ trang trí có sự kết hợp giữa gốm và gỗ đang rất thịnh hành.
Đến Phù Lãng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, cũng có thể dễ dàng gặp những nét đặc trưng một làng gốm. Những ngôi nhà gạch trần, với mái ngói đỏ trầm nhấp nhô, dọc con đường làng quanh co, trong sân nhà...đâu đâu cũng thấy những sản phẩm gốm được xếp đầy.
Một nét đặc trưng ở làng nghề Phù Lãng.
Theo các nghệ nhân cao tuổi của làng, ngày xưa làm gốm đều làm thủ công. Ngay từ khâu xử lý đất sét đã rất kỳ công từ chọn đất, phơi khô, ngâm nước, cắt đất v.v...
Sau khi luyện đất sét thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định, đất được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.
Theo những “nghệ nhân tay đất”: “Làm gốm ngày trước rất vất vả. Nhiều khi trời rét nhưng vẫn phải lấy tay trộn đất. Các xưởng làm gốm hầu như không có mái che nên những lúc phơi gốm mà gặp trời mưa lại phải chạy ra bê hết vào nhà”.
Một kỹ thuật tạo hình sản phẩm dòng gốm Phù Lãng.
Nét đặc biệt là qua hàng trăm năm đến nay làng nghề Phù Lãng vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, dùng củi để nung gốm.
Người thợ gốm cẩn thận xếp từng sản phẩm qua lò nung.
Các hoạ tiết trên gốm Phù Lãng thường lấy từ trong cuộc sống như cây cối, hoa sen, cá chép…
Tuy vất vả nhưng những “nghệ nhân tay đất” của làng gốm Phù Lãng rất giàu tâm huyết. Họ mong muốn bảo tồn nét đẹp mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn của gốm Phù Lãng trong thời hiện đại. Hiện tại, gốm Phù Lãng cũng khá thu hút các thị trường nước ngoài như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Xuất phát từ niềm đam mê, nhiều thanh niên trong làng đã đi học các lớp đào tạo mỹ thuật rồi trở về làng để vẽ tại các xưởng gốm hoặc tự mở xưởng của riêng mình.
Người thợ ghép các mảnh ghép để tạo thành bức tranh gốm hoàn chỉnh.
Nét truyền thống hoà quyện cùng với yếu tố hiện đại đã tạo nên làng gốm Phù Lãng ngày nay. Một ngôi làng với những con người tâm huyết, tận tuỵ với nghề, cuộc sống thanh bình, đậm chất văn hoá truyền thống.
Hiện nay toàn xã Phù Lãng có khoảng 200/1996 hộ với khoảng 500 nhân khẩu tham gia vào sản xuất gốm. Mỗi năm làng nghề cho doanh thu hơn 80 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng doanh thu của cả xã. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, gốm Phù Lãng còn đang gặp nhiều khó khăn do làng nghề nằm sâu, xa đường quốc lộ nên hệ thống giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, buôn bán. Bên cạnh đó, người dân vẫn làm ăn chủ yếu do tự phát, nên khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục, quy định… Bởi vậy, cần được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để người dân yên tâm sản xuất.
Từ một làng nghề đứng trước nguy cơ mai một, gốm Phù Lãng đang phát triển mạnh nhờ sự tìm tòi, sáng tạo của người dân nơi đây. Điều đó cho thấy nhờ hướng đi đúng đắn mà ngọn lửa yêu nghề sẽ không bao giờ tắt và được tiếp nối qua các thế hệ ở Phù Lãng./.