Trung thu trên phố cổ Hà Nội

Chủ nhật, 24/09/2023 12:54
(ĐCSVN) – Xưa và nay, Tết Trung thu vẫn lưu giữ những màu sắc văn hóa riêng của Hà Nội. Từ mồng một tháng 8 âm lịch, hầu hết những con phố cổ Hà Nội đều rất nhộn nhịp, náo nức đón ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm, để cùng thắp sáng những tâm hồn tuổi thơ.

Dịp này, nhiều cửa hàng trên phố hàng Mã, hàng Lược, hàng Rươi, Lương  Văn Can đã trở thành những cửa hiệu bán đồ chơi Trung thu như: Voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân… Phố cổ Hà Nội không chỉ nổi tiếng là khu phố buôn bán tấp nập, mà còn là nơi diễn ra Lễ hội Trung thu truyền thống hằng năm.

Mỗi phố cổ Hà Nội mang một nét đặc trưng, một dáng vẻ của Hà Nội lịch lãm, hào hoa. Người dân Hà Nội ai cũng biết đến sự tinh tế, khéo léo của người dân ở phố Hàng Mã đã làm ra những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn trời tuyệt đẹp. Phố Hàng Trống lại rộn rã với tiếng trống ếch, trống quân. Bánh Trung thu không đâu có thể sánh được với bánh do những người thợ bánh Hàng Đường, Hàng Buồm làm ra. Tết Trung thu là dịp nhiều phụ nữ Hà Nội thể hiện sự khéo léo trong việc bày biện, trang trí những mâm cỗ Trung thu thật đẹp trong nhà, để sum vầy con cháu trong gia đình.

Tết Trung thu Hà Nội rộn rã, tưng bừng, có cỗ, có đèn, có trống, có bánh Trung thu, những con giống và cả những màn múa lân, múa sư tử hoành tráng. Các đoàn múa lân, múa sư tử do những thanh niên tuổi đôi mươi đi biểu diễn khắp các phố, phường đến khuya mới giải tán, kéo theo đó là sự háo hức vui nhộn của rất nhiều trẻ em ở nhiều độ tuổi.

Đón Tết Trung thu năm 2023, phố Hàng Mã, một điểm đến phản ánh rõ nét nhất không khí Tết Trung thu ở Hà Nội. Vào những ngày cuối tuần những gam màu đa sắc của của đèn lồng, đầu lân, các món đồ chơi Trung thu truyền thống nhuộm thắm con phố cổ. Cùng đó là những dòng người đông đúc từ khắp nơi tìm về, để ngắm nhìn, thưởng lãm hay ghi lại những “khoảnh khắc” sâu đậm về một cái Tết truyền thống.

 Với nhiều nỗ lực giữ gìn, Tết Trung thu ở Hà Nội đang dần trở về nét đẹp xưa và ngày càng có ý nghĩa hơn.
 Điều đó được thể hiện rõ nét khi đồ chơi truyền thống năm nay lấn át đồ chơi ngoại nhập tại các cửa hàng bán đồ chơi Trung thu trên những con phố cổ.
 Những món đồ chơi của các làng nghề truyền thống của Hà Nội bày bán rất nhiều trên phố Trung thu hàng Mã.
 Các tiểu thương trên phố hàng Mã cho biết, năm nay các mặt hàng giá ổn định, đồ chơi và đồ trang trí Trung thu đa dạng với nhiều mẫu mã, màu sắc, kiểu cách đẹp và bắt mắt.
 Phố cổ là điểm đến yêu thích của rất nhiều gia đình ở Hà Nội trong dịp Tết Trung thu.
Đồ chơi tò he đến với tâm hồn trẻ thơ Hà Nội. 
 Một góc phố hàng Mã bày bán đồ chơi dân gian Việt Nam.
 Tết Trung thu phố cổ Hà Nội còn thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
 Trong dịp đón Tết Trung thu 2023, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động vui đón Tết, thể hiện sự quan tâm giáo dục về vật chất và tinh thần các em thiếu nhi, học sinh của Thủ đô bằng những hoạt động thiết thực và cụ thể.

 Một trong các hoạt động đó, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức trưng bày tài liệu và hiện vật với chủ đề “Sắc màu Trung thu xưa”. Trong không gian văn hóa “Sắc màu Trung thu xưa”, người xem gặp những món đồ chơi dân gian gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân Hà Nội.

 Ông Tiến sỹ giấy nhắc nhớ mỗi người về truyền thống hiếu học của người Việt.
 Tết Trung thu qua ngôn ngữ dân gian truyền thống Việt.
 Trung thu không chỉ là đêm trông trăng phá cỗ đêm rằm mà đây còn là dịp để ánh trăng vàng thắp sáng những tâm hồn tuổi thơ, để thỏa trí tưởng tượng, sức sáng tạo của của các em thiếu nhi bằng những món đồ chơi dân gian ý nghĩa, giàu bản sắc.
 Các em học sinh tiểu học Hà Nội tìm hiểu mâm cỗ Trung thu đêm rằm tại Trung tâm văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ (Hoàn  Kiếm, Hà Nội). Tại đây cũng diễn ra Trưng bày giới thiệu 80 tài liệu lưu trữ giúp công chúng hiểu hơn về Tết trung thu xưa tại Hoàng cung và Tết Trung thu thời kỳ những năm 1900 ở Hà Nội, qua đó mang tới người xem những góc nhìn văn hóa về cái Tết Trung thu cổ truyền ở Hà Nội.
N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực