Theo sách "Ðại Nam nhất thống chí", Văn Miếu Trấn Biên được chúa Nguyễn Phúc Chu
xây dựng năm 1715 tại thôn Tân Lại, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh
(nay thuộc Phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Tuy được xây dựng sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thăng Long - Hà Nội hơn 700 năm,
nhưng Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất ở phương nam,
trước các Văn Miếu ở Vĩnh Long, kinh đô Huế...
Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội,
gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ...
thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài.
Văn Miếu Trấn Biên được tỉnh Đồng Nai xây dựng lại năm 1998
dựa trên kiến trúc và nền đất cũ với tổng diện tích trên 9 héc ta.
Văn Miếu Trấn Biên bắt đầu từ Văn Miếu Môn, lần lượt là nhà Bia, Khuê Văn Các,
giếng Thiên Quang, cổng Đại Thành, nhà thờ Đức Khổng Tử
và sau cùng là Điện thờ chính (Bái đường). Trong ảnh là Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang.
Bái đường được chia làm năm gian. Gian chính đặt bàn thờ Bác Hồ, phía sau tượng Bác
là hình ảnh Trống đồng Ngọc Lũ biểu tượng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.
Gian bên trái là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn... Gian bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như: Võ Trường Toản,
Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu…
Tại Văn Miếu Trấn Biên còn có Bia Tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với dòng chữ lớn đầu tiên
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia"
Văn Miếu Trấn Biên mang nhiều giá trị, ý nghĩa về văn hóa, giáo dục, lịch sử.