Việt Nam qua những sắc màu văn hóa

Thứ hai, 08/07/2024 15:24
(ĐCSVN) – Trong bức tranh văn hóa Việt, nghệ thuật dân tộc phản ánh đậm nét bản sắc, tâm hồn và đời sống của người Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Qua đó, bạn bè và du khách quốc tế thấy được sự đa dạng, sức hấp dẫn lớn lao của nền văn hóa Việt, đang lưu giữ ở mỗi vùng miền đất nước.
 Khởi nguồn từ nền văn minh lúa nước có lịch sử hàng nghìn năm, suốt chiều dài phát triển và chắt lọc tinh hoa, nền văn hóa Việt Nam đã hình thành và lưu giữ nhiều giá trị vật thể, phi vật thể đặc sắc. Trong đó, nổi bật là những loại hình nghệ thuật dân tộc phản ánh đậm nét tâm hồn, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam.
 Đờn ca tài tử là một loại hình âm nhạc dân gian phổ biến ở vùng đất Nam Bộ, có nguồn gốc từ nhạc lễ và nhạc cung đình Huế. Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 Nghệ thuật dân tộc Việt Nam thể hiện sinh động qua nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau, từ âm nhạc, múa, sân khấu, đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, thủ công mỹ nghệ, các lễ hội truyền thống, trang phục hay nghệ thuật diễn xướng… mỗi loại hình nghệ thuật đều in đậm dấu ấn văn hóa mỗi vùng miền đất nước.
 Trong số các môn nghệ thuật dân gian vùng Bắc bộ, ca trù là một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam xuất hiện từ thời kỳ nhà Lý (thế kỷ 11-13). Đây là thể loại âm nhạc thường được biểu diễn trong các lễ hội hoặc các không gian tôn nghiêm.
 Hát quan họ, thể loại dân ca nổi tiếng của vùng đất Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang), đặc trưng bởi sự đối đáp tình tứ giữa nam và nữ.
 Cùng những làn điệu quan họ xứ Kinh Bắc, hát chèo loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian lâu đời, phổ biến ở vùng Bắc bộ. Chèo có sự kết hợp của hát, múa, nhạc và diễn xuất, mang nội dung phê phán xã hội và có tính giải trí cao.
 Sự đa dạng của nghệ thuật Việt Nam còn thể hiện đậm nét qua nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có múa rối cạn, múa chầu văn, múa lân, múa sạp… Các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cho thấy đời sống tinh thần phong phú của người dân ở các vùng miền đất nước.
 Khởi nguồn từ các nghi lễ tôn giáo của người Việt cổ, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu, chầu văn có sự kết hợp giữa hát, múa, và âm nhạc, được các thanh nương biểu diễn chủ yếu trong các nghi lễ hầu đồng. Nội dung các bài chầu ngợi ca các thánh nữ trong tín ngưỡng dân gian của người Việt như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải…
 Nhiều điệu múa dân gian đã trải qua hơn ngàn năm lịch sử, đang lưu giữ những mạch nguồn văn hóa và những góc nhìn lịch sử đa chiều, như tích trò Xuân Phả xuất hiện vào thời nhà Đinh (968 - 980). Nội dung các điệu trò mang hình tượng "Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống", đang bảo tồn, lưu giữ tại vùng đất xứ Thanh.
 Lễ hội và trang phục truyền thống: Các lễ hội truyền thống như lễ mừng nhà rông mới, lễ hội mùa, lễ hội rước đèn, lễ hội Tết Nguyên đán và các ngày lễ khác đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian Việt Nam.
 Lễ hội Katê của người Chăm.
 Sự đa dạng của văn hóa Việt Nam còn thể hiện qua nền âm nhạc dân tộc phong phú gồm nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, đàn tỳ bà, sáo, kèn, trống..., được sử dụng rộng rãi trong các bản nhạc truyền thống hay sáng tạo để phù hợp với những không gian văn hóa mới.
 Góp phần tạo nên vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật trên đất, gỗ, đá và các vật liệu khác mang đậm sự tinh tế của nghệ thuật thủ công Việt Nam. Trong đó, nghệ thuật chế tác gốm truyền thống làng Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) là một trong những đại diện tiêu biểu.
Làng lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).
N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực