APEC 2017: Các ủy ban và nhóm công tác tiếp tục chương trình nghị sự tại Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan

Thứ ba, 22/08/2017 22:23
(ĐCSVN) - Ngày 22/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan bước sang ngày làm việc thứ năm với các hoạt động của các ủy ban và nhóm công tác.
Cuộc họp của Nhóm ứng phó khẩn cấp với thiên tai (Ảnh Phạm Mai)

Tại phiên họp toàn thể của Nhóm HWG đã diễn ra buổi làm việc chung với các nhóm và tiểu ban của APEC, gồm LSIF, PPWE, SME, EPWG với các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB). Kết quả của cuộc họp sẽ được báo cáo tại Đối thoại cao cấp về Y tế và Kinh tế trong ngày mai, 23/8.

Buổi chiều, các đại biểu đã tham dự hai Đối thoại chính sách y tế về “Tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm vì một châu Á – Thái Bình Dương khỏe mạnh”, và “Thúc đẩy các biện pháp đối với bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc trong khu vực APEC.”

Đáng chú ý, Đối thoại thứ hai là sáng kiến của Việt Nam nhằm thúc đẩy cam kết chính trị của các thành viên APEC đối với vấn đề phòng chống bệnh lao và bệnh lao kháng thuốc, là bệnh lý có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm. Hiện nay APEC là khu vực đi đầu thế giới về cắt giảm tỉ lệ số người mắc, tử vong do bệnh lao. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 từ tháng 3 năm 2014 và là một điển hình trên thế giới về cắt giảm  3 chỉ số về số người mắc, mới mắc và tử vong do lao.

Cũng trong buổi sáng, Nhóm  ACTWG đã bắt đầu Phiên họp toàn thể lần thứ 25. Phiên họp đã lắng nghe những báo cáo về tình hình phòng chống tham nhũng và tiến triển trong việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc và Tuyên bố về Phòng chống tham nhũng do các nhà Lãnh đạo APEC thông qua năm 2014, cập nhật tiến độ triển khai các dự án và đề xuất các dự án mới. Các đại biểu cũng  thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp, hỗ trợ các tổ chức quốc tế trong công tác chống tham nhũng. Đại diện Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)...  đã trình bày báo cáo về công tác chống tham nhũng trong các khuôn khổ hợp tác của mình.

Ủy ban CTI trong ngày đã tổ chức Đối thoại công tư về nguồn gốc xuất xứ, với sự tham dự của đông đảo các đại diện các quan chức chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, các nhà khoa học. Các đại biểu đã chia sẻ đánh giá về những cơ hội và thách thức đối với việc áp dụng Bộ quy tắc nguồn gốc xuất xứ trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do đang và đã hình thành ở khu vực. Đối thoại cũng góp phần thông tin đầy đủ hơn cho lực lượng hải quan của APEC và các nhà đàm phán về nguồn gốc xuất xứ (ROO) về ROO trên khía cạnh công nghiệp cũng như những thách thức tiềm tàng mà doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải khi Bộ quy tắc này được ban hành.

Trong khuôn khổ Ủy ban EC, đã diễn ra Hội thảo về phương pháp xếp hạng theo hệ thống đèn hiệu giao thông với mục tiêu xây dựng Phương pháp xếp hạng theo hệ thống đèn hiệu giao thông (TLSM), bảo đảm khả năng áp dụng hệ thống TLSM cho các thành viên và đánh giá chất lượng của Bản đánh giá tác động quy chuẩn đã được đăng trước đó. Mục tiêu của Hội thảo là hướng tới việc đưa TLSM trở thành một bộ quy chuẩn chung nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và minh bạch hóa thương mại ở khu vực.

Trong hôm nay, Nhóm EPWG kết thúc chuỗi 2 ngày làm việc của mình với báo cáo của về tình hình thiên tai năm 2017 và việc áp dụng chính sách giảm thiểu rủi ro, đồng thời các đại biểu cũng đã thông qua kế hoạch hoạt động và các dự án sẽ được triển khai trong năm 2018.

Diễn đàn LSIF tổ chức Hội thảo kho dữ liệu số về sức khỏe thần kinh. Hội thảo đề cao việc thúc đẩy áp dụng dữ liệu số trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe thần kinh nói riêng, qua đó góp phần triển khai Lộ trình cải thiện sức khỏe thần kinh của APEC đến năm 2020.

Nhóm IPEG đã bắt đầu ngày chuỗi hai ngày làm việc của mình. IPEG, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ủy ban CTI, được thành lập năm 1996.  Mục tiêu hoạt động của IPEG là thúc đẩy đối thoại về các chính sách sở hữu trí tuệ, tiến hành đánh giá và trao đổi thông tin về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nghiên cứu các biện pháp nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Hiệp định TRIPS của WTO, đồng thời tạo thuận lợi cho nâng cao năng lực cho các thành viên APEC trong việc thực thi TRIPS.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý hóa chất của Nhóm CD được tổ chức nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc hợp tác quản lý hóa chất. Các đại biểu nhất trí xây dựng một chương trình đào tạo dài hạn về xây dựng và tăng cường khả năng quản lý cho các nhà hoạch định chính sách của APEC. Đây một bước tiến rất quan trọng kể từ Hội thảo hợp tác quản lý hóa chất của APEC năm 2014.

Nối tiếp hai ngày làm việc đầu tiên, Tiểu nhóm ECSG - DPS đã có hoạt động song phương trong ngày hôm nay. Trong khi đó, các nhóm IPEG và IEG cũng đã bắt đầu ngày làm việc thứ 2 của mình.

Với 15 hoạt động diễn ra đồng thời, hôm nay là một trong những ngày hoạt động sôi động nhất trong đợt Hội nghị SOM 3 lần này.  Các bộ, ngành của Việt Nam, gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thanh tra Chính phủ đã đảm nhiệm tích cực vai trò chủ trì, đồng chủ trì nhiều cuộc họp và hoạt động của APEC trong ngày hôm nay./.

Phạm Mai (từ Tp Hồ Chí Minh)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực