APEC 2017: Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững

Thứ tư, 23/08/2017 17:23
(ĐCSVN) - Ngày 23/8, với chủ đề “Cải cách tài chính y tế vì sức khỏe cộng đồng hướng tới phát triển bền vững”, Hội nghị cao cấp lần thứ 7 về y tế và kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh đã khai mạc phiên đầu tiên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Lê Minh)

Tham dự Hội nghị  có khoảng 280 đại biểu quốc tế đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC, Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới…

Trong hai ngày 23 và 24/8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ  Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến, Hội nghị tập trung thảo luận những nội dung chính:

Khái niệm “đầu tư xã hội” – Đo lường lợi ích đầu tư cho y tế;

Cách tiếp cận trong thu thập dữ liệu để đo lường hiệu quả đầu tư công trong lĩnh vực y tế;

Tạo các cơ chế tài chính y tế bổ sung trong khu vực APEC;

Rà soát tình hình triển khai “Lộ trình vì Một châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh đến năm 2020”;

Kết quả các Đối thoại chính sách về tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; lao và lao đa kháng thuốc; hài hòa quy định về dược phẩm;

Xác định những giải pháp, chính sách phù hợp để xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khỏe cộng đồng, tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, coi đây "là hành động cụ thể của tất cả chúng ta nhằm thực hiện cam kết lãnh đạo cấp cao APEC vì mục tiêu xây dựng Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, công nghệ khoa học mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về con người và sức khỏe con người. Theo Phó Thủ tướng: "Nhiều dịch bệnh mới lan truyền rất nhanh, già hóa dân số rất nhanh, sức ép của cuộc sống hiện tại có nhiều mặt tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều bệnh nghề nghiệp và nhiều bệnh mới, đặc biệt liên quan đến thần kinh, trí nhớ, trầm cảm, tự kỷ ở trẻ em. Bên cạnh số lượng trẻ em suy dinh dưỡng còn nhiều ở các nước đang phát triển, có những trẻ em béo phì. Các bệnh không lây nhiễm cũng ngày càng âm thầm gây tổn hại sức khỏe cho toàn xã hội”.

Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến sức khỏe con người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn ví dụ: "Nếu như trước đây, tại các nước châu Âu, quá trình già hóa dân số phải trải qua hàng trăm năm thì ở các thành viên APEC, bao gồm cả Việt Nam, quá trình đó chỉ còn 20 năm”. "Sức ép của nền công nghiệp, đặc biệt là nền công nghiệp mới, cũng làm cho con người đối mặt nhiều nguy cơ về sức khỏe, cuộc sống bận rộn hằng ngày làm cho mọi người bớt quan tâm hơn đến sức khỏe”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe là đầu tư cho phát triển.”

Sau khi nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, phân tích những thuận lợi và khó khăn cũng như quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế, từ kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Thách thức còn rất nhiều, mà lớn nhất là làm sao có một hệ thống chính sách bảo đảm bảo hiểm được bao phủ toàn dân, với nhiều gói dịch vụ khác nhau, để đáp ứng tất cả các yêu cầu đa dạng của người dân. Làm sao thay đổi cách chi tiêu cho y tế, chuyển dần từ khám bệnh, chữa bệnh là chủ yếu sang dự phòng, giảm bớt lạm dụng các phương tiện kỹ thuật, lạm dụng thuốc... Nếu dùng thuốc thì tăng cường sử dụng các thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên và an toàn hơn cho con người. Cùng với đó là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là các cơ sở dưỡng lão, chăm sóc sức khỏe người già, để đón trước xu thế già hóa dân số”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả các yếu tố đó đặt ra yêu cầu cho các thành viên APEC,  trong đó có Việt Nam, phải tăng cường đầu tư cho y tế.”

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội nghị Y tế APEC lần thứ 7, cho rằng, APEC đang hướng tới một Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khỏe mạnh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Trong đó, bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC) là một mục tiêu cụ thể, là nền tảng kết hợp các chương trình và hành động cho sức khoẻ và phát triển. Mỗi nền kinh tế APEC, xét về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hoá, cần phải xác định cách hiệu quả và hiệu quả nhất để bảo đảm mọi người và cộng đồng nhận được các dịch vụ y tế có chất lượng mà họ cần mà không gặp khó khăn về tài chính. Bảo đảm các quỹ bền vững và đủ cho y tế là rất quan trọng, nhưng nó không phải là một điều kiện tiên quyết để đạt được mức độ phổ cập. Sử dụng quỹ sẵn có một cách có hiệu quả và có chiến lược, sắp xếp mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp, điều chỉnh chất lượng dịch vụ y tế và an toàn, trao quyền cho người dân và cộng đồng … tất cả đều cần thiết trên con đường đi tới bảo hiểm sức khoẻ toàn cầu …Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Quá trình này yêu cầu các quy định hiệu quả có thể khai thác các phương pháp tiếp cận năng động và sáng tạo, từ cả khu vực công và tư nhân, trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp về hệ thống y tế.”

Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để đạt được tiến bộ hướng tới UHC. Một ví dụ điển hình cần nhấn mạnh là việc đưa các nhóm người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác vào giai đoạn đầu hỗ trợ tài chính cho chăm sóc sức khoẻ của quốc gia trong khi đồng thời mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ y tế trên toàn quốc. Hệ thống bảo hiểm y tế xã hội được thành lập từ năm 1992 và hiện nay đạt đến 82% dân số. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, nhân lực y tế, thúc đẩy việc tiếp cận bình đẳng hơn với các dịch vụ y tế cho người dân. Những biện pháp này đã cải thiện đáng kể kết quả sức khoẻ và tuổi thọ của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, giống như nhiều nền kinh tế đang phát triển của APEC, Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề về tài chính y tế, ví dụ như chi tiêu tiền túi cao, vẫn còn hạn chế tiếp cận với y tế ở các vùng xa xôi ở nông thôn... Các nguồn lực dường như tập trung chủ yếu vào các dịch vụ chữa bệnh nhưng không đủ để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng ngừa, khuyến khích và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Việc kêu gọi bảo hiểm y tế toàn dân dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khoẻ ban đầu đã khuyến khích đối thoại chính sách về cải cách tài chính y tế để xây dựng hệ thống y tế công bằng, hiệu quả và hiệu quả hơn.

Tại phiên đầu tiên, Hội nghị tập trung vào một số vấn đề:

Một là, làm rõ những thách thức cơ bản trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế và  chiến lược sử dụng các quỹ sẵn có một cách hiệu quả.

Hai là, làm thế nào để có thể đo lường được lợi ích của đầu tư công trong lĩnh vực y tế để các nền kinh tế APEC ưu tiên cho y tế trong tổng ngân sách của chính phủ.

Ba là, nghiên cứu và triển khai các sáng kiến công cộng và tư nhân trong việc mở rộng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trong nền kinh tế APEC theo hướng bền vững.

Bốn là, các sáng kiến và quan hệ đối tác đang được tiến hành để đạt được các mục tiêu đặt ra trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Trong hai ngày làm việc, Hội nghị cấp cao về y tế và kinh tế APEC dự kiến thông qua Tuyên bố chung và khuyến nghị gửi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Cuộc họp đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội thông qua xây dựng tài chính y tế bền vững cho sức khỏe cộng đồng, xây dựng lộ trình tiến tới bao phủ y tế toàn dân.

Ngoài Hội nghị này, trong khuôn khổ SOM 3, Bộ Y tế sẽ chủ trì 6 cuộc họp y tế liên quan: Diễn đàn đa phương về đầu tư cho tuổi già năng động và khỏe mạnh hướng tới phát triển bền vững; Đối thoại cao cấp LSIF về Đổi mới hệ thống quản lý và Hài hòa quy định (Nhóm công tác LSIF APEC); Cuộc họp Nhóm Công tác y tế (HWG); Đối thoại chính sách về Tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; Đối thoại chính sách về Tăng cường phòng, chống lao và lao đa kháng thuốc; Đối thoại chính sách về phòng, chống ung thư cổ tử cung và họp nhóm chuyên trách về phòng chống ung thư.

Ngày mai, Hội nghị tiếp tục làm việc./.

Tấn Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực