Phóng viên (PV): Cá nhân ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị này đối với Việt Nam?
Ông Eiichi Sasaki: Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của APEC trong khu vực Thái Bình Dương, và Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều từ các nước và các nền kinh tế khác trong việc phát triển nền kinh tế và vượt qua những hạn chế mà một số trong đó chính là vấn đề quốc gia của Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để các nhà lập chính sách của Việt Nam định hướng cho tương lai trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
PV: Ông có thể giải thích cụ thể hơn?
Ông Eiichi Sasaki: Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ Diễn đàn APEC thông qua việc chia sẻ tri thức và học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác ở châu Á – Thái Bình Dương và các thành viên APEC. Mặt khác, các thành viên APEC khác cũng có thể học tập kinh nghiệm vượt khó, đổi mới của Việt Nam. Bởi mỗi nền kinh tế đều có sự tương đồng và cả sự khác nhau và sự chia sẻ là tất yếu.
PV: Hội nghị này bàn bạc, thảo luận nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo quan điểm của ADB và theo cách đánh giá của ông thì chủ đề nào quan trọng và đáng quan tâm nhất?
Ông Eiichi Sasaki: Tại Hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận về xu hướng kinh tế thế giới và tác động của nó tới các thành viên APEC. ADB đang có những hỗ trợ dài hạn và sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ không bị tác động bởi sự xáo động của nền kinh tế thế giới. Nhóm của chúng tôi đang tập trung thảo luận về phát triển lĩnh vực tài chính và có một số vấn đề cơ bản vẫn còn tồn tại trong hệ thống tài chính của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung vào những vấn đề như phát triển thị trường vốn, ổn định tài chính và một vài vấn đề khác nữa.
PV: Xin cho biết quan điểm của ông khi Việt Nam chọn lĩnh vực tài chính là một chủ đề quan trọng cho các hoạt động Năm APEC Việt Nam 2017?
Ông Eiichi Sasaki: Việt Nam cần quan tâm đến lĩnh vực tài chính bởi vì sự hiểu biết, sự quan tâm đến lĩnh vực tài chính ở Việt Nam hiện nay còn thấp. Theo thống kê thì chỉ có 30% người trưởng thành ở Việt Nam tiếp cận với các báo cáo tài chính chính thống. Vì vậy, dù đã phát triển kinh tế ấn tượng trong 3 thập kỷ qua thì lĩnh vực tài chính ở Việt Nam vẫn còn thấp và còn rất nhiều vấn đề đáng quan tâm. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính phủ để giúp các bạn cải thiện lĩnh vực này.
PV: Về việc phát triển dịch vụ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Xin ông cho biết đây có phải là lựa chọn tốt?
Ông Eiichi Sasaki: Lĩnh vực tài chính cần được quan tâm và thúc đẩy, trong đó có cả ở nông thôn và thành thị. Việc này một phần phải dựa vào nỗ lực của chính phủ, sự ủng hộ của các đối tác phát triển như ADB, nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Khi mọi người tiếp cận với tài chính nhiều hơn thì họ có thể có nhiều cơ hội để tăng thu nhập cho bản thân hoặc phát triển kinh doanh hộ gia đình. Trong trường hợp ở Việt Nam, tỷ lệ người dân sống ở nông thôn rất cao. Đó là lý do tại sao chính phủ lại mong muốn thúc đẩy lĩnh vực tài chính đặc biệt ở nông thôn. Điều cần thiết là chúng ta không nên thúc đẩy tài chính chỉ ở nông thôn hoặc chỉ ở thành thị.
PV: Như ông đã biết, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính. Xin ông cho biết dự báo của mình về các hoạt động trong tương lai của ADB và các đối tác quốc tế khác với chính phủ Việt Nam để phát triển chiến lược này?
Ông Eiichi Sasaki: ADB phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phát triển tài chính vi mô kể từ đầu năm 2000, như vậy là chúng tôi đã làm việc với chính phủ 17 năm rồi, và chúng tôi đã giúp chính phủ trong việc thiết lập các thể chế tài chính vi mô, cải thiện các hoạt động của chính phủ Việt Nam để phục vụ người dân tốt hơn.
Giờ đây chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới và thiết lập một chiến lược tài chính mang tính tổng thể hơn, không những hỗ trợ tài chính vi mô mà còn khuyến khích các ngân hàng thương mại tiến vào thị trường bán lẻ.
Chúng tôi ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đang tập trung vào các khung chiến lược, cải thiện khung pháp lý đối với tín dụng vi mô, bảo hiểm vi mô, kiều hối và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các thể chế tài chính cho các cấp cơ sở để tăng cường năng lực cho họ.
Theo kinh nghiệm, chúng tôi luôn tôn trọng kỹ năng tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện tốt hơn lĩnh vực tài chính, áp dụng những kinh nghiệm từ những gì chúng tôi đã đúc rút khi hỗ trợ các nước khác trong thời gian qua.
PV: Xin cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!