Ông Đàm Tiễn – Trưởng đoàn Trung Quốc tại SOM 3 (Ảnh: Khắc Kiên).
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác ASEAN – Trung Quốc sau cuộc họp song phương trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ ba và các hội nghị liên quan?
Ông Đàm Tiễn: Đối thoại Trung Quốc – ASEAN thể hiện rõ mối quan hệ mật thiết song phương, cho thấy mối quan hệ này là rất tốt, hợp tác rất chặt chẽ. Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề của APEC; tìm biện pháp tăng cường hợp tác ASEAN – Trung Quốc; đặc biệt là xung quanh việc Việt Nam tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề mà ASEAN và Trung Quốc cùng quan tâm. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, đồng thời cũng là nguồn khách du lịch lớn nhất của ASEAN. Kể từ năm 2002 khởi động đàm phán giữa Trung Quốc – ASEAN và sau khi kết thúc đàm phán vào năm 2016, đầu tư thương mại song phương Trung Quốc - ASEAN phát triển rất nhanh. Ban đầu chỉ là đầu tư một chiều từ ASEAN vào Trung Quốc, thì hiện nay, Trung Quốc đầu tư vào ASEAN cũng phát triển rất nhanh chóng. Do đó, tôi cảm thấy rất lạc quan về tương lai phát triển của mối quan hệ.
PV: Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN là một dấu mốc quan trọng. Ông có thể cho biết về những điểm nổi bật trong quan hệ giữa Trung Quốc – ASEAN thời gian qua?
Ông Đàm Tiễn: Năm 2017 kỷ niệm 50 năm hình thành ASEAN, chúng tôi đánh giá cao việc phát huy vai trò quan trọng của khu vực ASEAN ổn định và phồn vinh, đồng thời tin tưởng rằng, ASEAN trong tương lai sẽ càng phát huy được vai trò quan trọng này.
Năm nay cũng là 20 năm sau khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 1997). Còn nhớ, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các quốc gia trong khối ASEAN đã giúp đỡ lẫn nhau, Trung Quốc kiên trì không phá giá đồng Nhân dân tệ, phát huy vai trò tích cực đối với sự ổn định.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á, sự hợp tác Trung Quốc – ASEAN càng được tăng cường, bởi chúng tôi nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và tính tất yếu của việc hợp tác. Tôi cho rằng, quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc – ASEAN ngày nay cũng là dựa trên sự nỗ lực chung của cả hai bên vài chục năm qua. Tôi rất tin tưởng vào việc hợp tác trong tương lai giữa hai bên.
PV: Quan điểm của ông thế nào đối với sáng kiến phát triển bao trùm của Việt Nam trong cuộc họp SOM 3 lần này?
Ông Đàm Tiễn: Phát triển bao trùm bao gồm bao trùm về kinh tế, bao trùm về xã hội và bao trùm về tài chính. Hội nghị hôm nay theo tôi là rất quan trọng trong bối cảnh xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ và trào lưu phản đối toàn cầu hóa hoặc chống lại xu thế toàn cầu hóa. Tôi cho rằng, APEC được hình thành, phát triển từ làn sóng toàn cầu hóa, thúc đẩy mậu dịch tự do và hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Diễn đàn APEC đã giành được rất nhiều thành tựu, mang lại lợi ích thực thụ cho các nền kinh tế thành viên. Hiện nay, một mặt mọi người nhìn nhận toàn cầu hóa cũng có rất nhiều điểm tốt, đồng thời cũng tồn tại hiện tượng bất công bằng cho xã hội.
PV: Vậy chúng ta phải làm thế nào để đối phó?
Ông Đàm Tiễn: Chúng ta cùng nhận thức rằng, phải tăng cường tính bao trùm, tăng trưởng bao trùm, tôi nhận biết được từ phương diện này. Việt Nam cũng đã có một số sáng kiến về vấn đề này, hi vọng sẽ trở thành một nội dung trong Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao tới đây. Tôi ủng hộ việc này.
PV: Xin cảm ơn ông!