Ông Vũ Nhữ Thăng - Chủ tịch SFOM, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) trả lời phỏng vấn. (Ảnh: BTC)
Phóng viên (PV): Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC lần này tổ chức tại Ninh Bình đã ưu tiên thảo luận về vấn đề đầu tư lâu dài cho cơ sở hạ tầng và chia sẻ rủi ro. Ông có thể cho biết lý do chủ đề này được lựa chọn ưu tiên? Ông Vũ Nhữ Thăng: Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng là một nội dung ưu tiên của Tiến trình hợp tác tài chính Năm APEC 2017 của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam rất lớn, đặc biệt chúng ta xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 2010 - 2020 và thực hiện tiến tới trở thành nước công nghiệp thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là cho lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải rất quan trọng. Vì vậy, đầu tư lâu dài cho cơ sở hạ tầng là một bước đi không thể thiếu và rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Trong khi đó, các thành viên APEC cũng có ưu tiên cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Các thành viên APEC cũng rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Mexico, Peru, Chi lê; ở châu Á có Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin cũng có những kinh nghiệm phù hợp… Do đó, APEC đã chọn chủ đề về tài trợ cho cơ sở hạ tầng và chia sẻ rủi ro. Theo đó, tạo ra cơ chế hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước. Chính vì vậy, với nhu cầu đầu tư của Việt Nam cũng như sự quan tâm của các thành viên APEC nên Việt Nam đã chọn chủ đề này. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Với tư cách chủ nhà, Việt Nam có kinh nghiệm gì để chia sẻ trong cuộc Hội thảo "Đầu tư lâu dài cho cơ sở hạ tầng” – bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị quan chức tài chính cao cấp lần này, thưa ông?
Ông Vũ Nhữ Thăng: Trong cuộc Hội thảo, Việt Nam tập trung chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng, đặc biệt chỉ ra được những rủi ro, nhu cầu nguồn tài trợ trong các thành viên APEC; nhận định rủi ro trong một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt hay đường hàng không cũng như rủi ro đối với các dự án phát triển năng lượng; phát triển năng lượng cabon thấp (năng lượng sạch) trong tương lai... Những dự án này yêu cầu quản lý rủi ro, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân rất lớn. Các thành viên APEC sẽ tập trung chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra là các vấn đề về cơ chế tài chính cho huy động các nguồn lực từ nhà nước, khuyến khích huy động từ tư nhân; phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là kinh nghiệm và thông lệ tốt của các thành viên… Xác định rủi ro trong quá trình xây dựng và triển khai, vận hành, kết thúc dự án; từng khâu một sẽ xác định rõ trách nhiệm nhà nước ở đâu, tư nhân ở đâu để đảm bảo cân bằng lợi ích, chi phí tài trợ vốn, giá thành dự án thấp nhất.
PV: Ông có thể cho biết, kết quả của Hội nghị lần này sẽ được xử lý như thế nào?
Ông Vũ Nhữ Thăng: Trên cơ sở SFOM Ninh Bình lần này, chúng tôi sẽ có báo cáo kết quả thảo luận liên quan đến tài chính bao trùm, cơ chế tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như kết quả Hội nghị Thứ trưởng Tài chính liên quan đến sáng kiến BEP, bảo hiểm rủi ro thiên tai 4 nội dung lên Hội nghị Bộ trưởng tháng 10/2017 để thảo luận thông qua. Đây là kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam trong nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ tài chính 2017, đặc biệt là cơ chế hợp tác trong APEC 2017.
PV: Xin cảm ơn ông!