Khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong APEC (Ảnh BTC)
Sau Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 4, tổ chức tại Hội An vào năm 2006 với “Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch APEC”, đây là lần thứ hai, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị chuyên đề về du lịch trong APEC. Dự kiến, tại Đối thoại lần này, các nhà lãnh đạo du lịch APEC sẽ thông qua Tuyên bố về phát triển du lịch bền vững, bao gồm các khuyến nghị, định hướng cụ thể để phát triển du lịch bền vững tại khu vực APEC với các nội dung chính như sau: Một là, tập trung vào sự bền vững và toàn diện về xã hội, kinh tế và tài chính trong các hoạt động trong tương lai khi du lịch là ngành có khả năng đặc biệt trong việc tạo ra các cơ hội đối với các nền kinh tế APEC;
Hai là, thúc đẩy kết nối nhằm tăng cường tăng trưởng toàn diện thông qua việc tạo điều kiện để du lịch phát triển tại nhiều khu vực địa lý hơn nữa ở các nền kinh tế;
Ba là, cân nhắc việc thành lập mạng lưới các điểm đến du lịch phát triển đồng bộ, bền vững và toàn diện giữa các nền kinh tế;
Bốn là, hợp tác với các diễn đàn khác trong APEC và các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan nhằm chia sẻ các điển hình tốt và thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ trong phát triển du lịch bền vững;
Năm là, nhấn mạnh các điển hình tốt của các nền kinh tế về phương pháp theo dõi và đo lường nhằm phát triển du lịch bền vững giữa các nền kinh tế.
Năm 2017 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố chính thức vào tháng 01/2017 tại Madrid, Tây Ban Nha. Trong thời gian qua, các nền kinh tế và các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển.
Du lịch luôn là một ưu tiên hợp tác của APEC ngay sau khi Diễn đàn này được thành lập vào năm 1989. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016, ngành du lịch đã đóng góp 1,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ cho GDP của khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Đặc biệt, phát triển du lịch mang lại những hiệu quả đáng kể cho mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện, giúp gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương và cải thiện phúc lợi xã hội. Theo Báo cáo của Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU), cứ 1% tăng trưởng khách du lịch góp phần giảm 0,12% số người nghèo trong khu vực. Du lịch còn đóng góp lớn cho kinh tế khi 10% tăng trưởng khách du lịch tại APEC sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 1,2% và nhập khẩu tăng 0,8% tại mỗi nền kinh tế là điểm đến du lịch. Du lịch được dự báo là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại khu vực, hiện đang trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các thành viên APEC. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực.
APEC đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, trong đó tập trung vào việc phát triển du lịch có trách nhiệm và xây dựng môi trường bền vững cho cạnh tranh du lịch là một trong những định hướng quan trong trong Chiến lược phát triển du lịch APEC.
Thực hiện “Tuyên bố Hội An về thúc đẩy hợp tác du lịch APEC”, Việt Nam đã tham gia thường xuyên, tích cực trong các hoạt động quan trọng của hợp tác du lịch APEC, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 09 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 03 nền kinh tế khác, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Năm 2016, 10 thị trường nguồn khách du lịch hàng đầu của du lịch Việt Nam đều là nền kinh tế thành viên APEC.
Ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và hiện đang hướng tới mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ điều kiện tự nhiên và nền văn hóa phong phú, hấp dẫn: 24 di sản thế giới được Tổ chức UNESCO vinh danh, 72 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.300 di tích cấp quốc gia; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bờ biển dài với những vịnh, bãi biển và đảo ven bờ được nhiều tổ chức bình chọn là đẹp hàng đầu thế giới như: Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam được ghi nhận ngày càng rõ nét, thể hiện qua kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín.
Tờ The Star (Ngôi Sao) của Malaysia đã công bố những điểm đến hàng đầu năm 2015 mà du khách nên tham quan, trong đó Việt Nam giữ vị trí đầu bảng. Trước đó, năm 2014, Tạp chí Du lịch Travel&Leisure (Mỹ) bình chọn Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách 20 điểm đến tốt nhất thế giới, dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch...
Mặc dù vậy, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình phát triển để đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao; môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vừa thiếu, lại vừa yếu; doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý hạn chế; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy...
Chính vì vậy, bên cạnh việc phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm nhằm ứng phó với những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu để du lịch Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm vì người dân và doanh nghiệp.
Để ngành Du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị mở ra cơ hội lớn để Ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Theo ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, để thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn nội tại và liên ngành. Trước hết, đó là khó khăn đến từ nhận thức. Tư duy về phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp còn chưa thống nhất nên du lịch khó có thể vận hành theo quy luật thị trường, không huy động được các cấp, các ngành và các thành phần tham gia. Tiếp đến, các chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch hiện nay đã không còn phù hợp với các quan điểm đột phá của Nghị quyết.
Do vậy, cần có sự điều chỉnh, định hướng, tái cơ cấu lại theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Theo lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam, năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, nhưng các sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng đã có dấu hiệu quá tải... Ngoài ra, chính sách thị thực nhập cảnh chưa thực sự cởi mở, thông thoáng. Hiện tại, Việt Nam đang miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ; Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines đều miễn thị thực cho công dân trên 150 nước và vùng lãnh thổ.
Với tư cách chủ nhà của Đối thoại Chính sách cao cấp về du lịch bền vững, Việt Nam mong muốn được cùng với các nền kinh tế APEC nhìn nhận, đánh giá đúng những cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch bền vững; cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề xuất định hướng cho hợp tác phát triển du lịch bền vững của APEC trong thời gian tới./.