Hội nghị G20 được tổ chức tại Đức trong hai ngày 7 và 8/7/2017 (Ảnh BTA).
Những nội dung trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20 Germany 2017
Chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 là “Định hình một thế giới kết nối”. Đây là chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của G20 trong năm nay. Với chủ đề này và trên cơ sơ kế thừa các kết quả đã đạt được tại các Hội nghị Thượng đỉnh G20 trong những năm trước, nghị sự của G20 năm nay ưu tiên 3 trọng tâm:
Thứ nhất, tạo dựng nền tảng tự cường. Theo đó, các nước G20 sẽ thảo luận các chính sách, biện pháp củng cố hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu, thúc đẩy thương mại, đầu tư, đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số hóa và khoa học - công nghệ, cải cách cơ cấu… nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, tăng cường tính bền vững, trong đó sẽ thảo luận các chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội…
Thứ ba, tăng cường tính trách nhiệm, trong đó sẽ thảo luận các hành động cụ thể để thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 (Agenda 2030) của Liên hợp Quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động, việc làm, bình đẳng giới…
Chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20 có nhiều điểm tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong Năm APEC như: Cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới.
Trên cơ sở chủ đề và các trọng tâm nghị sự này, Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến có 5 phiên thảo luận gồm: Các vấn đề liên quan đến kinh tế thế giới; các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng; y tế; các vấn đề phát triển, châu Phi và phụ nữ; vấn đề việc làm và số hóa.
Việt Nam sẽ tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.
Vai trò của G20 trong các tiến trình quốc tế và toàn cầu
Ý tưởng về việc thành lập G20 được đưa ra tháng 9-1999 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở thủ đô Washington, Mỹ. Khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã khiến cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhận thức thấy sự cần thiết của việc phối hợp giữa các nền công nghiệp chủ chốt và các thị trường mới nổi trong hoạch định chính sách tài chính và kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thành lập nhóm G20 diễn ra tại Berlin (Đức) vào tháng 12-1999, với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của các nước thành viên.
Các thành viên của G20 bao gồm 19 quốc gia và một khối khu vực: Các quốc gia trong nhóm G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada); Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU).
Các quốc gia trong Nhóm G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế. Hiện nay, G20 được cho là đã trở thành cơ chế nòng cốt trong quản trị toàn cầu của thế kỷ XXI, cơ bản dung hòa và thỏa hiệp được khác biệt lợi ích giữa các nền kinh tế lớn.
G20 hoạt động như một cơ chế đàm phán cấp bộ trưởng không chính thức, không có một ban thư ký thường trực. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên G20 họp hàng năm với một Chủ tịch luân phiên. Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 và đến nay, G20 đã tổ chức 11 hội nghị thượng đỉnh.
Trong điều kiện rất phức tạp và khó khăn của kinh tế thế giới trong những năm qua, cùng với các thể chế quốc tế khác, dù không hề đơn giản, G20 đã đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng thông qua phối hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tài khóa, tiền tệ, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, thúc đẩy đầu tư và thương mại quốc tế… Bên cạnh đó, G20 cũng triển khai nhiều sáng kiến, chương trình hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường nhằm hướng tới sự ổn định, bền vững của kinh tế toàn cầu như: Phát triển cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước chậm phát triển, chống dịch bệnh, bình đẳng giới, chống tham nhũng… Có thể nói, kinh tế thế giới đã vượt qua được các thời khắc hiểm nghèo nhất và từng bước ổn định trở lại.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 2 về khủng hoảng tài chính toàn cầu được tổ chức ngày 2-4-2009 tại London, Anh.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 3 tổ chức ngày 24 và 25-9-2009 tại Pittsburgh (Mỹ) bàn về các biện pháp phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 4 được tổ chức ngày 26 và 27-6-2010 tại Toronto (Canada), thống nhất phối hợp chính sách củng cố tài chính và tăng cường cải cách cơ cấu nhằm tái cân bằng và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 5 được tổ chức ngày 11 và 12-11-2010 tại Seoul, Hàn Quốc, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng, thông qua sáng kiến chương trình nghị sự phát triển của G20 và triển khai đồng thuận phát triển Seoul vì tăng trưởng chung.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 6 được tổ chức tại Cannes (Pháp) ngày 3 và 4-11-2011, tập trung xây dựng kế hoạch hành động Cannes vì tăng trưởng và việc làm; thông qua kế hoạch hành động thúc đẩy các thị trường trái phiếu trong nước.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 7 được tổ chức tại Los Cabos (Mexico) ngày 18 và 19-6-2012, thông qua các biện pháp thúc đẩy nhu cầu, tăng trưởng, lòng tin và ổn định tài chính.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 8 được tổ chức tại St.Peterburg (Nga) ngày 5 và 6-9-2013, thông qua cải cách nhằm đạt được tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng, đánh giá tiến triển trong thực hiện các cam kết của các thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 9 được tổ chức tại Brisbane (Australia) ngày 15 và 16-11-2014 thông qua Kế hoạch hành động Brisbane, ghi nhận G20 về Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu và Trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu, Kế hoạch hành động tài chính bao trùm G20, Kế hoạch chống tham nhũng G20 2015-2016, cam kết thúc đẩy tăng trưởng của các nước G20 tối thiểu thêm 2% đến năm 2018…
Sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tiến trình G20
Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tiếp đó, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ tư tại Canada và Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 5 tại Hàn Quốc. Tại các hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như: Biến đổi khí hậu (nêu sáng kiến về việc G20 thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thành lập Diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển), thương mại, phát triển…
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ tư ở Canada, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng về hai chủ đề: Khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; Chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 5 tại Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các bài phát biểu quan trọng với nhiều sáng kiến, đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của G20 trong các lĩnh vực được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm.
Trong các phát biểu tại các Hội nghị, Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các hoạt động tham vấn và phối hợp chính sách giữa G20 với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN; đề nghị G20 xem xét thiết lập thí điểm cơ chế tham vấn chính sách với một số tổ chức khu vực để trao đổi thông tin, quan điểm về các vấn đề kinh tế, tài chính khu vực và toàn cầu cũng như phối hợp triển khai các quyết sách quan trọng của G20.
Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Từ tháng 12-2016 đến nay, Việt Nam đã cử đoàn tham dự các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng trung ương G20, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Y tế, Lao động, Số hóa, Nông nghiệp, các Hội nghị cấp Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương G20, Hội nghị quan chức cao cấp và các cuộc họp nhóm công tác quan trọng của G20.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên G20 đang phát triển tốt đẹp. Hiện 10 nước thành viên G20 có quan hệ đối tác chiến lược và 2 nước thành viên có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam với các thành viên G20 ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Năm 2017, Việt Nam lại được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan của G20, nhưng với tư cách nước chủ nhà Năm APEC 2017. Đây cũng là lần đầu tiên nước chủ nhà Năm APEC không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và như vậy là lần thứ 2, Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Việc Việt Nam được nước chủ nhà G20 mời dự các Hội nghị G20, trước hết là do các nước G20 nói chung và CHLB Đức nói riêng coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của APEC trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu, cũng như vai trò, vị thế và uy tín ngày càng cao, sự đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc của khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, điều này cũng thể hiện mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - CHLB Đức và sự tin cậy của G20 cũng như của CHLB Đức đối với Việt Nam./.