APEC 2017: Hội thảo Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng

Thứ tư, 17/05/2017 21:21
(ĐCSVN) - Ngày 17/5/ 2017, trước thềm Hội nghị các quan chức cấp cao tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC Việt Nam 2017, tại thành phố Ninh Bình, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác đã tổ chức hội thảo: “Đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng”.

Hôi thảo " Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng" trong khuôn khổ  Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. (Ảnh Khắc Kiên)

Sau lễ khai mạc ngắn gọn, các đại biểu tham gia Hội thảo đã đi sâu thảo luận các vấn đề trọng tâm như:

Tổng quan về đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng trong khu vực APEC: Tổng quan về nhu cầu cơ sở hạ tầng, khả năng tài chính, vai trò tư nhân trong APEC; Tổng quan về các đề xuất về đầu tư vào cơ sở hạ tầng…; Thay đổi về lâu dài trong đầu tư cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế thành viên APEC;

Hình thức đối tác công - tư (PPP) – một giải pháp tiềm năng cho các dự án cơ sở hạ tầng: Tổng quan về PPP trong APEC; Các yếu tố tư nhân tham gia các dự án cơ sở hạ tầng trong APEC ; Kinh nghiệm các dự án phát triển PPP;

Trao đổi, thảo luận về cơ chế phân bổ rủi ro của các dự án PPP: Sơ lược về cơ chế phân bổ rủi ro các dự án PPP; Kinh nghiệm phân bổ rủi ro như: phương tiện đi lại, nguồn nước, xử lý nước thải (các nền kinh tế thành viên APEC); Kết quả thăm dò phân bổ rủi ro của các nhân tố tư nhân; Công cụ quản lý dự án cơ sở hạ tầng;

Đa dạng hóa nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng: công cụ giảm thiểu rủi ro: Khảo sát công cụ giảm thiểu rủi ro; Kinh nghiệm công cụ giảm thiểu rủi ro với rủi ro chính trị, đại chúng, môi trường; Vai trò MdB trong việc tạo công cụ giảm thiểu rủi ro;

Đề xuất cho APEC trong giải pháp đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng và các kết quả dự kiến sẽ được trình lên FMM vào tháng 10/2017.

Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam. Những năm gần đây, nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) tại Việt Nam và một số nền kinh tế thành viên APEC đang là vấn đề ngày càng được quan tâm, đặc biệt là khi áp lực chi tiêu công ngày càng lớn khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trở thành mối quan ngại. Do đó, tài trợ vốn dài hạn để đầu tư vào hệ thống hạ tầng thông qua hình thức PPP là một trong các chủ đề được thảo luận tại các diễn đàn APEC cũng như nhiều diễn đàn và hội thảo quốc tế khác.

Phát biểu về lý do và mục đích tổ chức Hội thảo, TS, Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính việt Nam, cho biết:”Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương ngày càng lớn trong khi nguồn lực công còn hạn chế. Vấn đề là làm thế nào để tìm kiếm đầu tư dài hạn để đáp ứng nhu cầu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển””

Chủ đề đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong APEC 2017 được các nền kinh tế thành viên APEC và tổ chức quốc tế thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm hướng tới việc thu hút các nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua việc giải quyết vấn đề chia sẻ rủi ro và xây dựng các cơ chế giảm thiểu rủi ro cho dự án.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 02 năm 2017 đã thông qua kế hoạch hoạt động về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng với đề xuất định hướng hợp tác trong năm 2017 cụ thể gồm:

- Tổ chức hội thảo về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng vào tháng 5 năm 2017 chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm giữa các thành viên APEC trong việc xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý, đa dạng hóa các nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng và các công cụ giảm thiểu rủi ro hiệu quả.

- Phối hợp với các đối tác quốc tế như OECD, WB, ADB, Trung tâm Cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIH) trong việc đúc kết và phổ biến các kinh nghiệm tốt nhất trong việc xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP và các công cụ để giảm thiểu rủi ro trong một số lĩnh vực cụ thể, phù hợp với các nền kinh tế thành viên APEC để các thành viên APEC có thể tham khảo trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP cụ thể.

- Triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực sử dụng Source, một hệ thống công cụ trực tuyến về quản lý các dự án đầu tư, do của Tổ chức cơ sở hạ tầng bền vững (SIF) phát triển nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC trong xây dựng và quản lý dự án cơ sở hạ tầng.

Kết quả hợp tác về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào tháng 10/2017./.

Tấn Vũ - Khắc Kiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực