APEC 2017: Hợp tác nhiều bên trong quản lý thiên tai là một chiến lược then chốt

Thứ năm, 28/09/2017 20:37
(ĐCSVN) - Bên lề Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai, được tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An) từ ngày 21 đến 22/9, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có các cuộc trao đổi với bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip, Quyền Trưởng Phòng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị của UNICEF tại Việt Nam và ông Wei-Sen Li, đại biểu đến từ Đài Loan (Trung Quốc).

 

Bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip, Quyền Trưởng Phòng Chương trình
Chính sách xã hội và quản trị của UNICEF tại Việt Nam (Ảnh: Đặng Hải).

Trong những năm qua, hợp tác giữa UNICEF và Việt Nam trong quản lý thiên tai, đặc biệt là vấn đề bảo vệ trẻ em trong thiên tai là rất hiệu quả. Lý giải thêm về điều này, bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip, nói: "Việt Nam nằm trong top 10 nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đây là lý do vì sao UNICEF quan tâm đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong những năm tới, đặc biệt là trẻ khuyết tật. UNICEF đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong hơn 35 năm qua về những vấn đề liên quan đến nước. Giờ đây, hai bên đã hợp tác với nhau thực hiện giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm".

Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trong Khung hành động Sendai và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), UNICEF đã có quan hệ đối tác với chính phủ, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, đồng thời phát triển quan hệ đối tác với các cơ quan khác của Liên hợp quốc để hiện thực hóa những mục tiêu này. Bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip, nhấn mạnh:' 'Mục tiêu then chốt của UNICEF là hoàn thành Khung Sendai và các Mục tiêu Phát triển bền vững. UNICEF đã hợp tác với chính phủ Việt Nam trong 5 năm qua. Bộ NN & PTNT đã cùng với UNICEF xây dựng tầm nhìn về giảm thiểu rủi ro lấy trẻ em làm trung tâm. Chúng tôi đã có chương trình hợp tác dài hạn với các thành phần kinh tế để đảm bảo rằng, các dịch vụ giáo dục, y tế, bảo vệ trẻ em đều được đưa tới những người có nhu cầu.

"Chúng tôi cũng làm việc với cộng đồng, bởi một điều quan trọng là các gia đình và trẻ em cũng có thể tự bảo vệ mình nên chúng tôi giúp họ về kỹ năng sống và nâng cao nhận thức trong cộng đồng, trong đó có cả trẻ em. UNICEF và Bộ NN & PTNT Việt Nam kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC cùng hợp tác và hiện thực hóa các mục tiêu giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, không chỉ Việt Nam mà còn có cả các nền kinh tế thành viên APEC vì biến đổi khí hậu là thách thức phát triển chung của tất cả chúng ta" - bà Mizuho Okimoto-Kaewtathip nhấn mạnh.

.

 

Tiến sĩ Wei-Sen Li, đại biểu đến từ Đài Loan (Trung Quốc) trao đổi với phóng viên (Ảnh Đặng Hải)

Trao đổi về hợp tác công-tư trong quản lý thiên tai, Tiến sĩ Wei-Sen Li, đại biểu đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng: Đối tác công tư (PPP) rất quan trọng trong giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trước tiên, lĩnh vực kinh tế tư nhân cho rằng, thiên tai có tác động tới công việc kinh doanh của họ, đồng thời nó cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Ông nói: ""Điều này lý giải vì sao trong những năm gần đây, tại APEC chúng tôi thường thúc đẩy Kế hoạch Cộng đồng kinh doanh nhằm cải thiện việc khắc phục hậu quả thiên tai cho lĩnh vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ''. Ông nêu ví dụ: ""Chẳng hạn như ở Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vậy, chúng tôi đã có một cuộc hội thảo tại Việt Nam để giới thiệu khái niệm về Kế hoạch Cộng đồng kinh doanh. PPP sẽ là một kênh rất tốt để khuyến khích những thành phần chủ chốt trong xã hội của chúng ta nỗ lực làm việc nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai".

Chia sẻ những khuyến nghị về ngăn chặn thiên tai ở Châu Á - Thái Bình Dương, ông Wei-Sen Li nói: ''APEC cần quan tâm hơn đến những tác động của thiên tai đối với công việc kinh doanh. Đặc biệt là chúng ta vừa thấy những trận bão lớn đã đổ bộ vào Việt Nam, một trận động đất lớn đã xảy ra ở Mexico... Đây là những ví dụ nổi bật. Chính vì vậy, tôi cho rằng, các nền kinh tế APEC cần ngồi lại với nhau để chia sẻ tri thức và kinh nghiệm trong Đối tác công tư về giảm thiểu rủi ro thiên tai". 

Đánh giá về nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học - công nghệ trong giảm thiểu rủi ro thiên tai tại các nền kinh tế APEC, ông Wei-Sen Li cho biết, tại Hội nghị này, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề về khoa học-  công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để dự báo, lập kế hoạch ứng phó và giảm nhẹ thiên tai.

Về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, đại biểu này, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, có rất nhiều công nghệ mới đang được thực hiện ở Việt Nam nhằm kiểm soát bão lụt".

Về triển vọng hợp tác APEC trong ứng dụng khoa học - công nghệ về quản lý thiên tai, ông nói: ""Thực tế cho thấy, APEC mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác song phương, đa phương trong ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm ngăn chặn thiên tai. Việc chia sẻ khoa học-  công nghệ được tất cả các nền kinh tế hoan nghênh".

""Tôi cho rằng có rất nhiều hình thức hợp tác đã được các nền kinh tế thực hiện, nhưng trong tương lai, chúng ta cần thực hiện hợp tác khoa học - công nghệ giữa các nền kinh tế có sự khác biệt về khoa học - công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai. Qua đó, các nền kinh tế thành viên có thể học hỏi được kinh nghiệm, hoặc cố gắng hợp tác với các nền kinh tế có nền khoa học - công nghệ tiên tiến để được học hỏi và ứng dụng khoa học - công nghệ vào giảm thiểu rủi ro thiên tai trong tương lai" -  Tiến sĩ Wei-Sen Li, đại biểu đến từ Đài Loan (Trung Quốc) nhấn mạnh./.

 

Khắc Kiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực