Hội thảo về Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm thu hồi tài sản.
(Ảnh:VGP/Mạnh Hùng)
Hội thảo này nhằm giúp các nền kinh tế thành viên có cơ hội thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về những khó khăn, thách thức, những thực tiễn tốt của khu vực về sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm thu hồi tài sản, bao gồm cả việc hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng tham nhũng có tác hại to lớn đến đời sống kinh tế-chính trị và xã hội không chỉ của từng quốc gia, mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Tội phạm tham nhũng không chỉ là một loại tội phạm bình thường, mà nghiêm trọng hơn khi “có thể đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý, cản trở sự phát triển bền vững và nguyên tắc Nhà nước pháp quyền”.
Sự hội nhập kinh tế sâu rộng cũng ẩn chứa những điều kiện để tham nhũng phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là với những quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, quản trị không hiệu quả. Tham nhũng làm thất thoát các nguồn lực của đất nước, của xã hội, làm giảm hiệu quả đầu tư công, xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia.
Trước vấn nạn này, trong khuôn khổ các hợp tác song phương và đa phương, các nền kinh tế đã có những hành động tích cực để cùng hợp tác nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, trên bình diện cấp nền kinh tế và quốc tế. Một trong những vấn đề đặt ra là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ thành công và là một trong những mục đích chủ yếu của việc xử lý tham nhũng.
Thực tế tại Việt Nam và nhiều nền kinh tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp những khó khăn rất lớn, từ việc truy tìm, xác minh, phong tỏa đến việc hồi hương, tịch thu; thể hiện ở một số nội dung như: khi các hành vi tham nhũng bị phát hiện và điều tra, truy tố thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán bằng nhiều hình thức, như chi tiêu dùng, rửa tiền hay bị che lấp ở một dạng thức hợp pháp. Việc xác định nguồn gốc tài sản, sự chuyển dịch của tài sản có nguồn gốc tham nhũng trở nên khó khăn, thách thức hơn nhiều tại các nền kinh tế chuyển đổi, khi các quy định về giám sát, kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội còn có những bất cập.
Bên cạnh đó, việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là một chuỗi các hoạt động, do nhiều cơ quan thực hiện. Quá trình thực hiện đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan nhằm bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đúng đắn, khách quan và kịp thời, hiệu quả. Trên thực tiễn, việc phối hợp giữa các cơ quan trong nước như cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án… còn có những bất cập và sự hợp tác quốc tế còn có những trở ngại như: Thiếu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này; sự khác biệt giữa các hệ thống, truyền thống pháp luật; sự bất đồng về ngôn ngữ, xa cách về địa lý… đã dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Đây thực sự là những thách thức rất lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật, nhằm thiết lập những cơ chế phối hợp để việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho rằng, với sự hiện diện của nhiều diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng ở cả khu vực công, khu vực tư, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan báo chí độc lập sẽ giúp các đại biểu có thêm thông tin về những nỗ lực đang được thực hiện, góp phần đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy sự hợp tác, phát triển kinh tế lành mạnh, liêm chính tại mỗi nước.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Kết quả của hội thảo sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật và phòng, chống tham nhũng của APEC (ACT-NET) và Nhóm công tác về Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch của APEC có các định hướng, cam kết về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả nói riêng./.