Tp Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm 2017 (Ảnh BTC)
Hội nghị lần cuối này trước khi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, các đại biểu APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hơp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt hướng tới đạt được những kết quả cụ thể trong việc triển khai các ưu tiên của Năm APEC 2017, cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Với 75 cuộc họp, hội thảo, đối thoại , các ủy ban, nhóm công của APEC sẽ thảo luận các nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, kinh tế mạng, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, tăng trưởng chất lượng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoa học, công nghệ và sáng tạo, chống tham nhũng, y tế, ứng phó tình trạng khẩn cấp, cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực tham gia hội nhập kinh tế…
Kết quả của Hội nghị SOM 3 sẽ cơ bản định hướng chương trình hoạt động, nghị sự cũng như nội dung các văn kiện dự kiến trình lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11. Đây là tiền đề quan trọng cho thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC 2017 sẽ chủ trì Hội nghị SOM (29-30/8); Cuộc họp Nhóm Bạn của Chủ tịch về kết nối (26/8); Hội thảo về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội (28/8); Phiên kết luận của Đối thoại cấp SOM về RTAs/FTAs (27/8).
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam,chủ trì Cuộc họp cao cấp APEC lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế (23/8).
Tám Bộ, cơ quan Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì hoặc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch các ủy ban/nhóm công tác của APEC, trong đó có:
Bộ Công Thương (Ủy ban thương mại và đầu tư – CTI, Ủy ban Hợp tác kinh tế kỹ thuật - SCE, Đối thoại công nghiệp ô-tô – AD, Đối thoại về hóa chất – CD; Ủy ban quản lý ngân sách);
Bộ Ngoại giao (Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC – PSU);
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Nhóm chuyên gia về đầu tư – IEG);
Bộ Tài chính (Nhóm công tác về thủ tục hải quan -SCCP);
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nhóm công tác về ứng phó tình trạng khẩn cấp - EPWG);
Bộ Y tế (Nhóm công tác về y tế - HWG);
Thanh tra Chính phủ (Nhóm công tác về phòng chống tham nhũng - ACTWG).
Bộ Khoa học và Công nghệ (Nhóm công tác Tiêu chuẩn và hợp chuẩn - SCSC);
Trong dịp này, từ ngày 21-25/8/2017, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì tổ chức Tuần lễ An ninh lương thực trong đó điểm nhấn là Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay có khoảng 2100 đại biểu quốc tế và trong nước đã đăng ký tham dự, đại diện 21 nền kinh tế thành viên, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), các tổ chức quan sát viên của APEC (ASEAN, PECC, PIF) cùng đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực, giới doanh nghiệp và học giả quốc tế.
Để chào đón các đại biểu APEC, ngay từ đầu năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, lễ tân, hậu cần, đào tạo đội ngũ... để giới thiệu tới bạn bè quốc tế và khu vực hình ảnh thành phố năng động, hiện đại, trung tâm kinh tế - tài chính và chế tạo hàng đầu của cả nước và đầu mối giao lưu quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy trong dịp Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) tại Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, các kế hoạch đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự đã được triển khai từ vài tháng trước, được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, các yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu.
Về vấn đề trật tự an toàn giao thông, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67 Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Từ ngày 18/8, các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông theo kế hoạch đã đề ra. Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đón khoảng 30 đoàn đại biểu tham dự, trong đó 15 đoàn sẽ làm việc tại thành phố và 15 đoàn làm việc tại Cần Thơ. Công tác dẫn các đoàn bộ trưởng cấp cao từ sân bay Tân Sơn Nhất về 5 khách sạn và một điểm chiêu đãi tại Thành phố Hồ Chí Minh; công tác hướng dẫn đến tuyến đường thoát hiểm; lộ trình phụ và công tác phân luồng, điều tiết giao thông, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ... đều được tập huấn kỹ càng theo kế hoạch đã đề ra. Các chốt Cảnh sát giao thông thực hiện nhịp nhàng và các chỉ huy phải linh hoạt khi làm nhiệm vụ.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị SOM 3, các lực lượng của Công an Thành phố đã tổng lực ra quân nhằm tăng cường an ninh kể từ tháng 6/2017. Các lực lượng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường từ 21 giờ đến sáng hôm sau. Trong thời gian diễn ra hội nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác để đảm bảo an ninh trật tự cho hội nghị.
Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9/2017, Sở Giao thông Vận tải sẽ không cấp phép thi công công trình tại khu vực hành lang các tuyến đường trung tâm gồm: Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Võ Thị Sáu và khu vực các tuyến đường ra, vào sân bay Tân Sơn Nhất gồm: Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn - Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Phan Đình Giót./.