Các đại biểu tham dự cuộc họp các Tiểu ban Thủ tục Hải quan lần
thứ 2 từ ngày 19-21/8/2017 (Ảnh:L.L)
Đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Ban Thư ký APEC và các khách mời từ Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Uỷ ban Thương mại và Đầu tư (CTI) đã tham dự Cuộc họp.
Sau Cuộc họp lần thứ nhất được tổ chức tại Nha Trang vào tháng 2/2017, SCCP đã đạt được nhiều đồng thuận trong việc triển khai các nội dung quan trọng của APEC năm 2017, trong đó, kết quả nổi bật nhất tập trung vào thúc đẩy triển khai toàn diện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới và xem xét khả năng và các điều kiện thực tế thực hiện sáng kiến kết nối cơ chế một cửa quốc tế trong APEC. Ngoài ra, SCCP nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đơn giản hoá thủ tục hải quan, tăng cường kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới, tiến tới thực hiện các chương trình tự chứng nhận xuất xứ và kiểm tra xuất xứ, thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới phát triển nhằm mục tiêu tạo thuận lợi thương mại đi cùng với đảm bảo an ninh thương mại trong chuỗi cung ứng khu vực.
Trong chuỗi kết quả đó, các Đề xuất dự án (Concept Note) của Hải quan Việt Nam về Tạo thuận lợi thương mại và Hải quan Hoa Kỳ về Cơ chế một cửa đã được Ban Thư ký APEC thông qua và tài trợ kinh phí để tổ chức 02 Hội thảo bên lề SOM3. Với mục tiêu mở ra diễn đàn trao đổi và kết nối các thành viên trong việc đưa ra các sáng kiến thúc đẩy triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO và kết nối cơ chế một cửa trong khu vực, ngoài 7 nội dung chính bao gồm Thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO; Khung kết nối chuỗi cung ứng; Cơ chế một cửa; Doanh nghiệp ưu tiên; Công nghệ thông tin và quản lý rủi ro; Quyền sở hữu trí tuệ; Thương mại điện tử qua biên giới, SCCP đã thống nhất bổ sung một nội dung mới đề cập đến hợp tác hải quan - hải quan trong APEC nhằm đẩy mạnh các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực giữa các nền kinh tế thành viên, đặc biệt hỗ trợ đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Các kết quả của Cuộc họp SCCP lần thứ nhất đã được CTI, Ban Thư ký Quốc gia APEC và Ban Thư ký APEC quốc tế đánh giá cao dưới góc độ hiệu quả của các sáng kiến đề xuất và sự đóng góp của SCCP đối với mục tiêu tạo thuận lợi và bảo đảm an ninh thương mại khu vực của APEC.
Tiếp nối các kết quả đạt được từ Cuộc họp SCCP1, 2 mục tiêu lớn của SCCP 2017 trong mục tiêu chung của APEC là tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng được cụ thể hoá trong Kế hoạch hành động tập thể của SCCP (CAP) và Chương trình làm việc SCCP 2017 (Work Program 2017).
Theo đó, Cuộc họp SCCP lần thứ 2 sẽ tiếp tục trao đổi và xây dựng kế hoạch thực hiện đối với 8 nội dung chính nêu trên của SCCP. Trong đó, nhấn mạnh khung kết nối chuỗi cung ứng: SCCP thống nhất cao trong Cuộc họp sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan trong phạm vi trách nhiệm của SCCP để hỗ trợ SOM và CTI trong triển khai SCFAP II.
Đối với cơ chế một cửa, các thành viên nhất trí việc tiếp tục hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia và sẽ nỗ lực trong việc xem xét khả năng kết nối cơ chế này giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Về phát triển Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO), SCCP nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên tại các nền kinh tế thành viên, nỗ lực hợp tác và ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau để thúc đẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Về thương mại điện tử qua biên giới, SCCP khuyến khích cơ quan hải quan các nền kinh tế thành viên tiếp tục tăng cường các chương trình quản lý rủi ro để đảm bảo vừa tạo thuận lợi thương mại và nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp.
Đối với việc thúc đẩy quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, bên cạnh việc nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý biên giới, SCCP đề cập đến việc đẩy mạnh đối thoại công-tư nhằm góp phần đạt được các ưu tiên của SCCP trong năm 2017.
Cùng với đó, với công nghệ thông tin và quản lý rủi ro, SCCP coi đây là công cụ hỗ trợ cần thiết và hiệu quả đối với các hoạt động kiểm soát hải quan. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm hoàn thiện chương trình cải cách và hiện đại hóa hải quan giữa các cơ quan hải quan trong khu vực được đánh giá là một hoạt động quan trọng mà SCCP sẽ triển khai trong thời gian tới.
Về quản lý việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, SCCP nhấn mạnh việc tạo thuận lợi thương mại phải song hành cùng đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Do vậy, việc gia tăng hợp tác trong các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái được các thành viên xác định là một hoạt động trọng yếu trong hỗ trợ đạt mục tiêu đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.
Về phục hồi thương mại, SCCP sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi thương mại trong khu vực thông qua việc thiết lập mạng kết nối giữa các thành viên APEC và nỗ lực xây dựng các cơ chế trao đổi các thông tin giữa các cơ quan hải quan trong khu vực trên cơ sở các khuyến nghị và hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới.
Ngoài ra, SCCP tiếp tục xây dựng các hoạt động hợp tác để tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý biên giới trong đó có cơ quan hải quan có thể tăng cường tối đa sự liên kết chặt chẽ trong các hoạt động kiểm soát biên giới, trong mối liên kết với nhóm công tác, nhóm làm việc và một số tiểu ban khác trong APEC qua các đề xuất như: chống khủng bố, tạo thuận lợi trong các hoạt động đi lại (TFI), các chương trình đảm bảo an ninh, thu thập thông tin đối với việc Đơn giản hoá Chứng từ và Thủ tục liên quan đến quy tắc xuất xứ (MAG), đối thoại hóa học.
Việc tổ chức thành công Cuộc họp SCCP2 APEC 2017 thể hiện sự nỗ lực tích cực và những đóng góp hiệu quả của SCCP nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng đối với thành công chung của Năm APEC 2017 hướng đến đạt mục tiêu tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế khu vực đồng thời đạt được mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng./.