Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)
Năm 1965, hai nhà nghiên cứu Nhật Bản là Kojima Kiyoshi và Kurimoto Hiroshi nêu ý tưởng thành lập một “Khu vực thương mại tự do thái Bình Dương”. Trong thập niên 1980, ý tưởng này đã được một số lãnh đạo Nhật Bản, đặc biệt Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp lúc đó là Hajime Tamura và Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) thúc đẩy.
Tháng 1/1989, phát biểu với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Seoul, Hàn Quốc, Thủ tướng Ôxtrâylia Bom Hawke đã nêu ý tưởng thành lập một Diễn đàn tư vấn kinh tế cấp Bộ trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương với mục đích phối hợp hoạt động của các chính phủ nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế ở khu vực và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương. Nhật Bản, Malaixia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, Xingapo, Brunây, Inđônêxia, Niu Di lân, Canađa và Hoa Kỳ đã ủng hộ sáng kiến này.
Ngày 6 – 7/11/1989, các Bộ trưởng của 12 nền kinh tế nói trên họp tại Canberra, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Ôxtrâylia Gareth Evans, đã quyết định chính thức thành lập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC).
Đến nay, APEC đã mở rộng và bao gồm 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới. APEC hiện đại diện khoảng 2,8 tỷ dân và đóng góp 43 nghìn tỷ USD tổng GDP, 20 nghìn tỷ USD thương mại quốc tế, tương đương khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh quá trình liên kết, hợp tác kinh tế ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu phát triển mạnh vào cuối những năm 1980, Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ nhất tại Ôxtrâylia đã xác định mục đích của APEC là thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư khu vực.
Tuyên bố Seoul thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ ba năm 1991 đã nêu rõ các mục tiêu cơ bản của APEC là: Duy trì sự tăng trưởng và phát triển của khu vực vì lợi ích chung của các nền kinh tế trong khu vực, qua đó đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của kinh tế thế giới. Phát huy các kết quả tích cực đối với khu vực và nền kinh tế thế giới, thúc đẩy các luồng hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ. Phát triển và tăng cường một hệ thống thương mại đa phương mở, vì lợi ích của châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác. Cắt giảm rào cản đối với thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các thành viên, phù hợp với các nguyên tắc của GATT/WTO và không làm tổn hại các nền kinh tế khác.
Để thực hiện các mục tiêu trên, APEC triển khai ba trụ cột hợp tác, đó là: Tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua cắt giảm và xóa bỏ dần các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; Thuận lợi hóa kinh doanh, giảm chi phí sản xuất và giao dịch, tăng cường trao đổi thông tin, cơ hội kinh doanh và kết nối, thúc đẩy thương mại, tạo nhiều cơ hội việc làm mới; Hợp tác kinh tế kỹ thuật nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực các nền kinh tế thành viên, hướng tới phát triển bình đẳng, cân bằng và bền vững.
Là Diễn đàn hợp tác kinh tế, hội tụ các nền kinh tế rất đa dạng về điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa, chế độ chính trị - xã hội và đặc biệt có sự chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển, APEC hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc cùng có lợi Tuyên bố Seoul năm 1991 nêu rõ: “Việc hợp tác trong APEC dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, có tính đến sự khác biệt giữa các giai đoạn phát triển kinh tế trong các hệ thống chính trị - xã hội và chú ý đầy đủ đến các nhu cầu của những nền kinh tế đang phát triển”. APEC nhấn mạnh các mối quan tâm chung, lợi ích chung của các nền kinh tế thành viên và tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế và phát triển.
Nguyên tắc đồng thuận: Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của hợp tác APEC. Tuyên bố Seoul nêu rõ :“Cam kết đối thoại cởi mở và xây dựng đồng thuận, bình đẳng, tôn trọng quan điểm của tất cả thành viên tham gia”. Khác với quá trình đàm phán kinh tế - thương mại thường gay gắt trong GATT/WTO, APEC đi tới các quyết định thông qua quá trình xây dựng đồng thuận. Toàn bộ quyết định của các nhà Lãnh đạo kinh tế, các Bộ trưởng đều được đề cập trong Tuyên bố chung phản ánh ý chí của tất cả các nền kinh tế thành viên.
Nguyên tắc tự nguyện: Xuất phát từ đặc điểm của các nền kinh tế thành viên và các mối quan hệ kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dường, Tuyên bố Seoul năm 1991 khẳng định: “APEC sẽ hoạt động thông qua quá trình tư vấn và trao đổi quan điểm giữa các quan chức cao cấp của các nền kinh tế thành viên APEC, dựa trên những nghiên cứu, phân tích và các ý tưởng về chính sách do các nền kinh tế tham gia và các tổ chức liên quan, gồm các Ban Thư ký của ASEAN, PECC và PIF đóng góp”. Nguyên tắc thể hiện ở việc APEC không đưa ra những quyết định, nguyên tắc mang tính ràng buộc và mọi hoạt động hợp tác được triển khai dựa trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế viên.
Theo Tuyên bố Seoul năm 1991, APEC là một diễn đàn “mở” theo nghĩa là mở cửa cho các nền kinh tế trong khu vực được tham gia và không phân biệt đối xử giữa các nền kinh tế thành viên.
Kể từ khi thành lập đến nay, APEC đã trải qua bốn đợt mở rộng và hiện có 21 nền kinh tế thành viên, gồm: 12 thành viên sáng lập từ năm 1989: Ôxtrâylia, Brunây, Canađa, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia, Niu Di lân, Philíppin, Xingapo, Thái Lan và Hoa Kỳ.3 thành viên gia nhập năm 1991: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồng Công - Trung Quốc và Đài Bắc - Trung Quốc. 2 thành viên gia nhập năm 1993: Mêhicô và Papua Niu Ghinê. 1 thành viên gia nhập năm 1994: Chilê. 3 thành viên gia nhập năm 1998: Pêru, Nga và Việt Nam. |
Do hợp tác APEC tập trung vào các lĩnh vực kinh tế và thương mại, nên các thành viên APEC tương tác với nhau với tư cách là những thực thể kinh tế. Do đó, thành viên APEC được gọi là “Nền kinh tế thành viên”, thay vì “nước thành viên”.
Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 5 tổ chức tháng 11-1997 tại Vancouver, Canada các nền kinh tế thành viên quyết định sẽ kết nạp thêm ba thành viên là Nga, Pêru và Việt Nam vào năm 1998, đồng thời tạm ngừng việc kết nạp thêm thảnh viên mới khác trong vòng 10 năm. Mục đích là để APEC tập trung củng cố bộ máy, triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, đặc biệt là các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 tổ chức năm 2007 tại Sydney, Ôxtrâylia, tiếp tục quyết định tạm ngừng mở rộng thành viên cho đến năm 2010. Đến nay, quyết định này vẫn còn hiệu lực, mặc dù nhiều nền kinh tế bày tỏ nguyện vọng gia nhập APEC, trong đó có Ấn Độ, Côlômbia, Braxin, Lào, Campuchia, Mông Cổ, Êcuađo.
Tháng 11-1997, quy chế thành viên của APEC đã được Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 5 tại Vancouver, Canađa thông qua. Về cơ bản, nước hoặc vùng lãnh thổ kinh tế muốn trở thành thành viên APEC phải đáp ứng các điều kiện sau:Vị trí địa lý nằm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp giáp với bờ Thái Bình Dương. Có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC về thương mại, dịch vụ, đầu tư. Có nhiều nét tương đồng về phát triển kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế mở cửa theo hứớng thị trường. Chấp nhận các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của APEC. |