Theo bài báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam hiện đạt hơn 200 tỷ USD và giá nhân công tại Việt Nam rẻ hơn cả Trung Quốc và một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này giúp Việt Nam không chỉ tăng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà còn mở rộng xuất khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam đã giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý từ những năm 1980. Năm 2016, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3% và dự kiến tốc độ tăng trưởng trong năm 2017 là 6,8%, chủ yếu dựa vào sản xuất, xuất khẩu và gia tăng tiêu dùng nội địa.
Ảnh minh họa: TTXVN
Tờ báo của Malaysia cho rằng thành công của Việt Nam trong 30 năm qua chính là mở cửa cho đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp và tạo cơ hội cho người dân phát triển doanh nghiệp tư nhân, nâng cao điều kiện kinh tế.
Bài báo dẫn đánh giá của Tạp chí Forbes và Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng Chính sách Đổi Mới đã biến Việt Nam từ một trong những nước nghèo của thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình. Từ năm 1990, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bất chấp môi trường toàn cầu không ổn định, từ một nước lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ở châu Á.
GDP bình quân tăng 8,2%/năm trong giai đoạn 1991-1995, giai đoạn 5 năm tiếp theo mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/ năm và vẫn tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao 5,9% trong giai đoạn 2011-2015, khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 471 USD vào năm 2003 lên mức 2.300 USD vào năm 2015.
Những nỗ lực đổi mới đã giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được cải thiện, thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Cơ cấu kinh tế Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, giai đoạn 2011-2015 tăng đến 18%/năm.
Tờ báo kết luận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam đạt được bước tiến bộ trên nhiều lĩnh vực khác như du lịch, sản xuất công nghiệp, thương mại, đầu tư và bảo đảm an ninh lương thực bền vững./.