Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín, các học giả cùng hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế.
Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy”, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam là sự kiện quốc tế quan trọng và là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và phát triển ngành, tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng gặp gỡ, kết nối và chia sẻ thông tin về xu thế thương mại và hội nhập quốc tế cũng như kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam và khu vực APEC.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận các chuyên đề về Nông nghiệp thông minh, Dịch vụ Tài chính, Y tế và Giáo dục, Kết cấu Hạ tầng, Du lịch và Đặc khu Kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Trước Hội nghị, Triển lãm “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng” giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế đa dạng trên các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… của các địa phương của Việt Nam đã được khai mạc.
Trong thông điệp chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, sau khi dẫn các số liệu của các tổ chức quốc tế có uy tín, nhất là số liệu báo cáo của Ngân hàng Thế giới về sự ổn định của kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC”.
Theo các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước, trong đó quy mô thị trường xếp thứ 31/137 nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố 31/10/2017, xếp hạng 2018 về môi trường kinh doanh (DB) của Việt Nam là 68/190 quốc gia, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc ASEAN-5). Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017, đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (GII 2017), Việt Nam đã tăng hạng lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: “Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân”.
Tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế Giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và Ngài Philipp Rosler, Giám đốc Điều hành, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phát biểu, đề cao những sáng kiến của Việt Nam, đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện tại Việt Nam, khuyến nghị một số vấn đề cần thúc đẩy, tạo ra động lực mới, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến Việt Nam kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển bền vững kinh tế APEC và kinh tế thế giới./.