Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam
trả lời phỏng vấn dangcongsan.vn (Ảnh Đặng Hải)
Phóng viên (PV): Phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, vai trò của các doanh nhân nữ rất quan trọng. Bà vui lòng cho biết, điều gì làm bà ấn tượng nhất đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân nữ?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Những năm gần đây, với chính sách đổi mới và rất cởi mở của các nền kinh tế APEC, thì vai trò của phụ nữ trong các nền kinh tế APEC càng được coi trọng. Tại Việt Nam, dưới những tác động chính sách của chính phủ, đội ngũ doanh nhân nữ đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp rất to lớn cho việc xây dựng kinh tế của Việt Nam với số lượng phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp, khởi nghiệp ngày càng tăng. Trước đây, tỉ lệ doanh nghiệp nữ chiếm khoảng 25%, nhưng sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉ lệ doanh nghiệp nữ tăng lên khoảng 31,7%. Alibaba cũng có con số thống kê là phụ nữ Việt Nam tham gia bán hàng trực tuyến đứng thứ 2 châu Á. Chúng tôi rất ấn tượng với những con số này.
Đây là động lực để chúng tôi luôn đưa ra các sáng kiến hỗ trợ cho phụ nữ trước phát triển khởi nghiệp, kết nối kinh doanh trong nước, khu vực và toàn cầu.
PV: Bà nói rằng, Hội đồng doanh nhân nữ đã đưa ra các sáng kiến hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và kinh doanh. Bà có thể nói sâu thêm về những sáng kiến này?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Sáng kiến đầu tiên là chúng tôi phối hợp cùng với Tổ chức Hoà bình và Phát triển Tây Ban Nha đưa chương trình Staupcat toàn cầu với mô hình thung lũng silicon về Việt Nam. Lúc đó tôi là giám đốc điều đầu tiên của Ucret Việt Nam. Đây là mô hình hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ rất hay và đơn giản, giúp chị em hoàn thiện ý tưởng kinh doanh của mình. Bất kỳ người phụ nữ nào miễn là có niềm đam mê, tinh thần khởi nghiệp thì đều có thể thực hiện được.
Thứ 2 là chúng tôi cũng phối hợp với ILO, và gần đây là với Cocacola hỗ trợ doanh nhân nữ để doanh nhân nữ hỗ trợ lại cho người phụ nữ nghèo khởi nghiệp, với các hoạt động như mang lại nguồn nước sạch cho đồng bào ở vùng biến đổi khí hậu, đào tạo về khởi nghiệp và giúp đưa sản phẩm của các phụ nữ địa phương bán hoặc kết nối kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hội đồng doanh nhân nữ cũng có sáng kiến hỗ trợ kết nối bằng cách đi tìm các nhà sản xuất, các thương hiệu lớn đang tìm các nhà cung ứng ở Việt Nam, qua đó chúng tôi giới thiệu các hội viên trở thành nhà phân phối của họ. Đơn cử như rất nhiều phụ nữ nghèo ở nông thôn trở thành nhà phân phối của Cocacola, hay chúng tôi mang những sản phẩm mỹ nghệ của đồng bào dân tộc đưa vào sân bay để bán…
PV: Được biết, bà đã từng là Chủ tịch của mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Vâng, đúng vậy! Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam từng tham gia biến ý tưởng của Chính phủ Việt Nam về việc thành lập mạng lưới nữ doanh nhân ASEAN thành hiện thực. Đã phát triển đề án cùng với đại diện Uỷ ban Phụ nữ ASEAN (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) để giới thiệu với 10 nước. Và sau 5 năm thuyết phục, chúng tôi đã tìm được sự đồng thuận của 10 nước và mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 22/4/2014. Sau khi thành lập, chúng tôi đã kết nối các hoạt động để các thành viên trong khối ASEAN liên kết với nhau tốt hơn. Hiện nay, Philipines đang đảm nhận quyền chủ tịch với hàng nghìn doanh nhân tham gia mạng lưới này. Tại đây, rất nhiều bài học kinh nghiệm được chia sẻ, các mô hình tiếp cận tài chính, hỗ trợ về quỹ tín dụng, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, giới thiệu các nhà khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần…
PV: Bà có mong muốn, một mạng lưới doanh nhân nữ phát triển trong APEC?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN đang phát triển thành công và cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Chúng tôi mong đợi APEC cũng sẽ có mô hình như vậy. Tôi cũng đã đề nghị thành lập mạng lưới hoặc hội doanh nhân nữ trong APEC,... Tôi kỳ vọng, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC lần này sẽ mang lại nhiều khuyến nghị. Với sáng kiến này, tôi đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và họ cho rằng đây là ý kiến rất tốt bởi khi tham gia vào mạng lưới này hội viên sẽ có rất nhiều thông tin và những bài học kinh nghiệm quý báu. Sáng kiến này có khả thi hay không còn tuỳ thuộc vào 21 nền kinh tế, tuy nhiên tôi nghĩ rằng họ sẽ đón nhận thông điệp này một cách tích cực, bởi lẽ không ít chương trình của các nền kinh tế đã mời tôi chia sẻ kinh nghiệm thành lập mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN.
Việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với Hội đồng doanh nhân nữ chúng tôi có rất nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và gần đây nhất, đó là chương trình làm với facebook về “Phụ nữ là doanh nhân”, hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp và tham gia kinh doanh thương mại trực tuyến. Đồng thời, đào tạo cho họ nâng cao năng lực sử dụng facebook trong kinh doanh thương mại trực tuyến và kết nối họ với nhau trong mạng lưới kinh doanh facebook.
Chúng tôi rất mong sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước để giúp phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến thành công, nhưng phải bảo đảm tuân thủ pháp luật, không trốn thuế.
PV: Xin cám ơn bà đã trả lời phỏng vấn!