Những đóng góp của Việt Nam với APEC

Thứ ba, 07/11/2017 21:42
(ĐCSVN) - Tối 6/11, tại Đà Nẵng, ngay sau khi Kỳ họp thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) tiến hành bế mạc sau 3 ngày làm việc, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ABAC 2017 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN xoay quanh nội dung về những đóng góp của Việt Nam với APEC.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017.

 (Ảnh: Đình Tăng)

Theo ông Dũng, suốt trong thời gian chuẩn bị cho Kỳ họp lần này cũng như trong thời gian Kỳ họp diễn ra, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC đề xuất nhiều khuyến nghị để cùng nhau xây dựng một lộ trình mang dấu ấn Việt Nam.

Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công 4 cuộc họp và tổ chức rất chu đáo Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS), sắp tới là các Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp  APEC (APEC CEO Summit), Đối thoại của các nhà lãnh đạo với Hội đồng tư vấn Doanh nghiệp APEC…. Đây là những dấu ấn của Việt Nam đối với APEC.

“Có thể nói, chưa có lần nào mà Hội nghị APEC có sự tham dự đầy đủ và đông các nhà lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp như Việt Nam chúng ta đăng cai tổ chức năm APEC 2017. Đến giờ này đã có gần 2.000 đại biểu trong và ngoài nước đăng ký tham dự. Trong lịch sử 28 năm của APEC thì đây là lần đầu tiên, đội ngũ các CEO thế giới quy tụ đông đảo đến như vậy”- ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng để phát triển. Ví dụ như vị trí địa lý, nguồn nhân lực, đặc biệt là sự ổn định về chính trị… Tuy nhiên, cái chúng ta thiếu là chính sách để nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. “Chỉ khi doanh nghiệp tư nhân phát triển thì đất nước mới phát triển. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 97% là doanh nghiệp tư nhân trưởng thành từ các doanh nghiệp nhỏ. Ở Việt Nam chúng ta hiện mới có Nghị quyết Trung ương 5, nghĩa là đến bây giờ chúng ta mới chính thức coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân”- ông Dũng cho biết và chia sẻ thêm: Trước đây, chúng ta chỉ coi trọng kinh tế Nhà nước, bây giờ chúng ta mới nhận ra vai trò đầu tàu của kinh tế tư nhân. Thế nhưng, hiện chúng ta lại thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách. Để thay đổi tư duy nói trên, chúng ta đã mất 30 năm. Hy vọng rằng, từ thay đổi tư duy lần này và biến đổi thành hành động, Việt Nam sẽ rút ngắn thời gian nhiều hơn nữa để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi.

Khẳng định thêm về những đóng góp của Việt Nam tại Kỳ họp thứ tư Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần này, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 cho rằng: Ngay từ đầu, chúng ta đã xây dựng chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai” và đã nhận được sự ủng hộ cao của các nền kinh tế thành viên APEC.

Song song đó, chúng ta đã cùng với các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng các khuyến nghị theo lộ trình được đề ra. Và chúng ta cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các quan chức cấp cao các SOM, thành viên APEC để đưa các ý tưởng của chúng ta ra cộng đồng doanh nghiệp. Từ cộng đồng doanh nghiệp lại phản hồi các chính sách trở lại đến Chính phủ các nền kinh tế APEC. “Chưa bao giờ và lần này là lần đầu tiên hoạt động phối hợp giữa SOM và ABAC rất đồng đều”- ông Dũng khẳng định.

Nói về sự tham gia của Việt Nam với Kỳ họp lần này cũng như các Hội nghị trước, ông Dũng cho biết: Chúng ta đã tham dự đầy đủ các cuộc họp của SOM và các Bộ trưởng để phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp đến các quan chức, đồng thời cũng phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp và đưa ra những đề xuất của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các Chính phủ phối hợp với doanh nghiệp đưa ra những biện pháp để giúp doanh nghiệp phát tiển.

Nói về các khuyến nghị mà Việt Nam đóng góp lên ABAC trước khi trình lên Hội nghị Cấp cao APEC năm nay, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, Chủ tịch ABAC 2017 cho biết thêm: Khuyến nghị quan trọng nhất của Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh Hội nhập kinh tế trong khu vực và quốc tế; giảm hàng rào thuế quan, giảm hàng rào bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thương mại và đầu tư phát triển.

Theo ông Dũng, mục tiêu của chúng ta là hướng đến WTO và mục tiêu của Bogor 2020. Tuy nhiên hiện nay, mục tiêu này khó hoàn thành. Vì vậy, khuyến nghị của Việt Nam trình lên để các Bộ trưởng Thương mại gặp nhau ở Achentina vào tháng 11 này là cố gắng đẩy nhanh tiến trình trao đổi.

“Tuy nhiên để dự phòng vấn đề trao đổi của các Bộ trưởng không hiệu quả, chúng tôi đã đề xuất khuyến khích việc tham gia khu vực mậu dịch tự do và đặc biệt là TPP, hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương và khuyến nghị nối lại vòng đàm phán TPP; đồng thời giảm các thủ tục hành chính, giảm cả thuế quan để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Và tất nhiên, trong thực tế có một số nền kinh tế muốn bảo hộ. Thế nhưng, thực tế cũng chứng minh có một số nền kinh tế như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… càng mở cửa thì càng phát triển, nếu chúng ta càng đóng cửa thì kinh tế càng tụt hậu”- ông Dũng chia sẻ.

Nói về TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), ông Dũng chia sẻ thêm: Đây là thành tựu của chúng ta sau 5 năm đàm phán. Chúng ta đã kỳ vọng Quốc hội các nền kinh tế thông qua. Thế nhưng rất tiếc năm vừa rồi, Mỹ đã rút khỏi TPP. Song vào tháng 5 vừa rồi, tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC, với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, APEC đã nối lại vòng đàm phán và thông qua TPP  kêu gọi 11 nền kinh tế thành viên thông qua để tạo động lực để các thành viên khác cũng thông qua. “Hy vọng với sự tham gia này của các nền kinh tế thành viên, sắp tới đây Mỹ cũng sẽ tham gia. Hiện chúng ta cũng đang đề nghị Nhật Bản đứng đầu trong TPP lần này”- Ông Dũng nói.

Khẳng định thêm về các hiệp định hợp tác trong khu vực hiện nay, ông Hoàng Văn Dũng cho biết: Mỗi một hiệp định thương mại đòi hỏi một loại giấy tờ, một loại thủ tục. Hiện nay ở Châu Á - Thái Bình Dương có đến 22 loại hiệp định thương mại và 19 hiệp định nữa sắp tới sẽ thông qua. “Nếu như thế, doanh nghiệp làm các thủ tục rất tốn kém, nhất là với Việt Nam do thiếu kinh nghiệm và chưa có tiền, khả năng để đáp ứng rất khó. Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là tự do hóa thương mại, tự do hóa mậu dịch và đầu tư. Trong đó, có WTO, tuy nhiên WTO đàm phán lâu quá. Do đó chúng ta nghĩ tới TPP, mục tiêu 2025 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực tự do hóa thương mại trước WTO”- Chủ tịch ABAC 2017 nhận định.

Đề cập về chủ nghĩa bảo hộ hiện nay tại một số quốc gia, ông Hoàng Văn Dũng cho rằng, trong quá trình mở cửa, đặc biệt các nước phát triển chậm như Việt Nam có xu hướng đóng cửa để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế từ năm 1995, ta đã tham gia ASEAN, từ 1998 ta tham gia APEC, đến 2005 ta tham gia WTO.

“Chúng ta thấy mình càng hội nhập thì mình càng phát triển, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi nhiều. Thế nhưng, ngay trong các thành viên ABAC hiện cũng có những nền công nghiệp phát triển nhưng lại có xu hướng bảo hộ, thế nhưng những nước nhỏ như Việt Nam thì lại muốn mở cửa”- ông Dũng nhận xét.

Theo lời ông Dũng, Việt Nam càng hội nhập và nhờ hội nhập đã ngày càng liên quan nhiều đến xuất nhập khẩu, buôn bán và đầu tư. Cách đây 30 năm thì Việt Nam chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào tại Việt Nam. Đến nay, có 20.000 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và đóng thuế, chiếm 25% GDP, 35% sản lượng công nghiệp, 70% sản lượng công nghiệp xuất khẩu. Kết quả này không những tạo công ăn việc làm, đóng thuế cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự thay đổi trong suy nghĩ, tư duy của nhà lãnh đạo, nhà quản lý và cả doanh nghiệp phải “kết bạn”. Khi đã kết bạn thì phải chịu áp lực cạnh tranh. Khi đã chịu áp lực cạnh tranh, chúng ta mới phát triển, tất nhiên sẽ có những doanh nghiệp phá sản, đó là chắc chắn. Với nước Mỹ, họ có 25 triệu doanh nghiệp trên tổng số 330 triệu dân. Nhưng mỗi năm nước Mỹ cho ra đời 01 triệu doanh nghiệp và có 600.000 doanh nghiệp “chết” đi, nhưng có 400.000 doanh nghiệp còn lại vẫn sống khỏe và phát triển.

Tại các Diễn đàn và Hội nghị, Kỳ họp trong khuôn khổ
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 lần này, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp
quan trọng cho APEC. (ảnh: Đình Tăng)

Nói về quan điểm bảo hộ, ông Dũng cho rằng, tùy lãnh đạo từng nước, quan điểm khác nhau, nhưng ở góc độ của doanh nghiệp thì chúng tôi luôn khuyến nghị Chính phủ mở cửa, tự do hóa đầu tư, tự do hóa thương mại, khuyến khích mọi người tự do đi lại. Như vậy thì đầu tư thương mại mới phát triển. Đặc biệt hiện nay chúng ta có công nghệ số, Internet phát triển là biện pháp nhanh giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước phát triển như Việt Nam theo kịp thế giới.

Theo ông Dũng, trong năm nay, các thành viên của ABAC thành lập thêm một nhóm nghiên cứu về công nghệ số và triển khai công việc này tại Papua New Guinea vào sang năm tới. Để làm được việc này, chúng ta phải có rất nhiều việc, trước tiên phải xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng, thông suốt, không biên giới, từ nước này sang nước khác đều áp dụng được. Cạnh đó, phải xây dựng tầng công nghệ thông tin thông suốt, nhanh nhạy, tốc độ cao. Thứ đến phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Nếu có chính sách tốt, có hệ thống pháp lý tốt mà không có nguồn nhân lực thì sẽ không thực hiện được. Điều này đòi hỏi sự phát triển đồng bộ giữa Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng bắt tay để thực hiện. Doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ lắng nghe, phải cùng hợp tác để cùng nhau làm thì mới phát triển nhanh được. Chúng ta nếu không có sự gắn kết giữa Chính phủ và doanh nghiệp thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”- ông Dũng chia sẻ./.

Nhóm phóng viên APEC
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực