Tiến sĩ Alan Bollard – Giám đốc điều hành của Ban Thư ký quốc tế APEC. (Ảnh: Đặng Hải)
Ông Alan Bollard – Giám đốc điều hành của Ban Thư ký quốc tế APEC đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên trước khi vào phòng họp cuộc Đối thoại cao cấp về RTA và FTA.
Phóng viên: Xin ông cho biết nhận xét của mình về cuộc đối thoại cao cấp này?
Ông Alan Bollard: Đây là một buổi hội thảo rất quan trọng đối với APEC, nó cũng quan trọng đối với năm APEC 2017 của Việt Nam, bởi vì Việt Nam ưu tiên đạt kết quả tốt tại cuộc hội thảo này để tạo thuận lợi cho cuộc họp cấp cao tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Phóng viên: Ông có thể cho biết đánh giá của mình về sáng kiến của Việt Nam khi tổ chức sự kiện này?
Ông Alan Bollard: Việt Nam có 4 ưu tiên quan trọng trong năm nay. Chúng tôi đã bàn thảo xuyên suốt cả năm nay thông qua nhiều cuộc họp để phát triển những vấn đề này. Giờ đây, chúng tôi phải cụ thể hóa chúng, cần phải nỗ lực rất nhiều để lãnh đạo các nước có thể đi tới thống nhất cao những vấn đề này.
Phóng viên: Ý kiến của ông về những sáng kiến của Việt Nam nói chung tại Năm APEC 2017?
Ông Alan Bollard: Nói chung, Việt Nam ưu tiên tiếp tục hội nhập kinh tế khu vực và tạo dựng lợi ích từ thương mại, nhưng phải chắc chắn rằng nó được thực hiện trong toàn bộ khu vực, chứ không phải một vài nền kinh tế, một số ít người được thụ hưởng. Đó chính là một thách thức lớn, nhưng Việt Nam đang tập trung hiện thực hóa điều này.
Phóng viên: Ông có thể tóm tắt cho chúng tôi vấn đề hợp tác dài hạn trong APEC?
Ông Alan Bollard: Vâng, APEC là tất cả những gì về một cuộc chơi dài hạn, một câu chuyện dài bởi vì mọi thứ không chỉ diễn ra trong một lần. Sáng kiến của Việt Nam được thảo luận trong cả năm nay và vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai, bởi đó là một thách thức lớn với chúng ta. Tôi cho rằng chúng ta đã làm được rất nhiều trong quá khứ đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng những thảo luận ngày hôm nay là tất cả những gì chúng ta cần khẳng định rằng con người sống trong xã hội thực sự rất cần lợi ích bao trùm, không phải một vài người mà là tất cả mọi người.
Ông Arthayudh Srisamooth, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Thái Lan.
Khi được hỏi về các vấn đề cần tập trung thảo luận nhằm đạt được những thành tựu tốt hơn về kinh tế, tài chính và xã hội bao trùm trong APEC, ông Arthayudh Srisamooth, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Thái Lan nói: “Tôi cho rằng chúng ta phải tập trung vào mọi thứ, vào cải cách kinh tế, cải cách hành chính nhằm xúc tiến thương mại và đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển, chúng ta cần tạo dựng môi trường tốt để đạt được thành công trong vấn đề này".
Phóng viên: Xin ông cho biết mục tiêu của chương trình nghị sự của APEC về xúc tiến kinh tế, tài chính và xã hội bao trùm?
Ông Arthayudh Srisamooth: Tôi cho rằng chúng ta cần nỗ lực ngay từ bây giờ, hy vọng đến năm 2020 chúng ta có thể đạt được thêm sự phân phối hợp lý về thu nhập cho những người sống ở vùng nông thôn, họ có thể tiếp cận với tài chính, giáo dục, việc làm.
Phóng viên: Làm thế nào để chúng ta có thể có cơ chế hợp tác tốt nhất giữa APEC và các tổ chức quốc tế khác?
Ông Arthayudh Srisamooth: Chúng ta có rất nhiều phương thức hoạt động tốt. Ví dụ, có nhiều mô hình hợp tác như OECD, ASEAN, EU... mà châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi, thực hiện. Nhật Bản cũng là một ví dụ về một quốc gia thành công về sáng tạo, khởi nghiệp, xúc tiến khởi nghiệp, thúc đẩy sự tham gia và đóng góp vào nền kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vậy, chúng ta phải học tập các nền kinh tế khác nhau với những thành công khác nhau.
Ông Tsutomu Koizumi, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
“Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam để tổ chức thành công các cuộc họp của APEC 2017” là nhận xét của ông Tsutomu Koizumi, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Ông khẳng định: “APEC Việt Nam 2017 là một năm APEC tuyệt vời. Chủ nhà Việt Nam đã xây dựng một chương trình nghị sự tốt. Những vấn đề ưu tiên mà Việt Nam đề ra có ý nghĩa bao trùm với tất cả các nền kinh tế APEC. Đây là Hội nghị Quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3). Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để tổ chức thành công các cuộc họp của APEC 2017.
Phóng viên: Xin ông cho biết triển vọng của hợp tác dài hạn trong APEC?
Ông Tsutomu Koizumi: Đó là một câu hỏi quan trọng. Chúng tôi thực sự cần phải suy nghĩ về mục tiêu Bogor, mục tiêu hậu Bogor 2020. Những gì APEC cần trong tương lai là thúc đẩy hợp tác kinh tế và đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới, chúng ta cần nỗ lực để đạt được sự thịnh vượng toàn cầu trong tương lai.
Bởi vậy tôi cho rằng, Việt Nam đã có được một ý tưởng xuất sắc khi thiết lập Nhóm Tầm nhìn APEC, tập hợp mọi người từ các nền kinh tế APEC để suy nghĩ, thúc đẩy, đưa ra lời khuyên cho các quan chức cao cấp, xây dựng các mục tiêu hậu Bogor./.