Tiến tới Tuyên bố Cần Thơ về an ninh lương thực bền vững trong APEC

Thứ hai, 21/08/2017 19:21
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách về an ninh lương thực bền vững, đang diễn ra tại TP.Cần Thơ, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã trả lời phỏng vấn báo chí, trong đó bày tỏ kỳ vọng về việc cần thiết phải thông qua Tuyên bố Cần Thơ về An ninh lương thực bền vững trong APEC thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT phát biểu tại
hội thảo trong khuôn khổ tuần lễ an ninh lương thực. (Ảnh: BTC)

 Phóng viên: Tuần lễ về An ninh lương thực và đối thoại chính sách về an ninh lương thực của APEC tổ chức tại TP.Cần Thơ thu hút sự chú ý  của truyền thông trong nước và quốc tế. Ông có thể lý giải về sự quan tâm này?

Ông Trần Kim Long: Như các bạn biết, Việt Nam đã đăng cai và đang tổ chức rất thành công các sự kiện của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017. Các nền kinh tế APEC nhất trí trình lên Ban Thư ký Việt Nam tổ chức Tuần lễ An ninh lương thực và đối thoại chính sách về an ninh lương thực bền vững 2017 tại Cần Thơ. Trong tuần lễ an ninh lương thực này có rất nhiều hoạt động bảo đảm an ninh lương thực cho APEC, nền kinh tế chiếm 40% dân số thế giới và chiếm 57% GDP toàn cầu, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

An ninh lương thực là vấn đề sống còn đối với các nền kinh tế đang phát triển. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế trong thời gian vừa qua để chuẩn bị cho sự kiện này và đây là một nội dung được các nền kinh tế rất ủng hộ.

Việt Nam đã chuẩn bị 7 sự kiện lớn, nhỏ trong tuần lễ an ninh lương thực này, tiến tới có một kế hoạch hành động để thực hiện chiến lược trong nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, một kế hoạch hành động để thực hiện trong nhiều năm về chiến lược phát triển nông thôn, thành thị bền vững. Chúng ta tin tưởng rằng, với hai kế hoạch hành động này, các nền kinh tế thành viên sẽ thông qua Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phóng viên: Qua các cuộc hội thảo này thì có những triển vọng nào thông qua các cam kết hay chương trình hành động giữa các thành viên APEC?

Ông Trần Kim Long: Những hội thảo như thế này một lần nữa tạo cơ hội để các thành viên APEC trao đổi trực tiếp với nhau sau khi đã có rất nhiều cuộc trao đổi thông qua nhiều kênh như internet, email, các chương trình đã chuẩn bị trước đây, đặc biệt là đối với một số chương trình quan trọng.

Thông qua các hội thảo của từng lĩnh vực một để tổng hợp vào sự kiện này, Việt Nam kỳ vọng các nền kinh tế APEC sẽ đồng tình với những kế hoạch đã thảo luận trước đây để đưa ra một kế hoạch hành động chung để thực hiện an ninh lương thực toàn cầu, trước mắt là phục vụ các nền kinh tế APEC.

Phóng viên: Từ những cam kết đó ông có kỳ vọng rằng nó sẽ biến thành những hành động cụ thể giúp cho Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu?

Ông Trần Kim Long: Kế hoạch hành động này dành cho 21 nền kinh tế thành viên APEC trong đó có Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, chủ nhà của APEC các năm tiếp theo sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động đã được thống nhất trong hai kế hoạch hành động lần này; đồng thời chúng tôi cũng đưa ra sáng kiến rằng không phải chỉ có nước chủ nhà đứng ra triển khai các hoạt động này mà chúng tôi mời cả các nền kinh tế tiền APEC 2017 như Peru, Papua New Guinea, kể cả các nền kinh tế chủ nhà APEC sau này là Malaysia và Chile, để kế hoạch hành động này được khả thi và được các nền kinh tế chủ nhà APEC tiếp theo ủng hộ và triển khai.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Khắc Kiên (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực