Ứng dụng công nghệ sinh học là bài toán cấp bách trong bảo đảm an ninh lương thực

Thứ sáu, 25/08/2017 22:45

(ĐCSVN) - Các quan chức cao cấp APEC đang tích cực họp bàn về ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp nhằm tạo dựng an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. GS.TS Bùi Chí Bửu - Nghiên cứu viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thách thức đối với tình hình sản xuất lương thực hiện nay và việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.

Phóng viên: Thưa GS.TS Bùi Chí Bửu, những thách thức nào đang được đặt ra đối với tình hình sản xuất lương thực hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long?

 GS.TS Bùi Chí Bửu: Có 3 thách thức lớn nhất hiện nay đối với sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một là, quy mô sản xuất nhỏ, người nông dân chịu rất nhiều thiệt thòi. Thứ hai là biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn, đặc biệt là xâm nhập mặn và khô hạn về mùa khô. Thứ ba là chúng ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế lớn với các nước và trong quá trình hội nhập đó nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ thì bà con nông dân là người thiệt thòi lớn nhất.

GS.TS Bùi Chí Bửu. (Ảnh: infonet.vn)

Phóng viên: Chúng ta đã có những biện pháp nào ứng phó với những thách thức này để ổn định tình hình sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia cũng như cho các nền kinh tế thành viên APEC?

GS.TS Bùi Chí Bửu: Để đối phó với 3 thách thức này thì có 3 giải pháp mà chúng ta cần lưu ý.

Một là, phải tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác. Ngay bà con nông dân phải hợp tác với nhau trước sau đó mới nói đến hợp tác giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì chúng ta mới tập hợp được bà con nông dân lại. Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, bà con đã tập hợp dưới các hình thức khác như là các tổ sản xuất kết nối với nhau để làm ăn. Việc tổ chức lại sản xuất cần thiết ở chỗ nó giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, từ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, phải làm sao để giảm bớt giá thành.

Hai là, trước tình hình biến đổi khí hậu hết sức cực đoan như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học là một bài toán hết sức cấp bách. Nhưng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản rất ít, không thỏa đáng, nếu bây giờ chúng ta chọn giống lúa truyền thống thì phải mất trên 10 năm, thậm chí 15 năm. Nếu chúng ta ứng dụng công nghệ sinh học thì chúng ta có thể rút ngắn 1/3 thời gian. Như vậy, đối với ngập mặn, đối với khô hạn, đối với chịu ngập, chịu nóng thì những bài toán về công nghệ sinh học đều có thể giải quyết được. Đối với những loại khác như ngô, đậu nành thì công nghệ hiện đại đã chỉnh sửa bộ gen bằng phương thức đột biến theo chủ đích, đây là những công nghệ mới mà chúng ta đang tiếp cận.

Ba là, trước hội nhập kinh tế toàn cầu, khi chúng ta ký nhiều FTA, hội nhập kinh tế ASEAN, APEC, đây là những cơ hội rất lớn cho chúng ta. Cơ hội đến nhưng chúng ta phải chủ động, nếu chúng ta không chủ động, không chuẩn bị được những văn kiện pháp lý, không chuẩn bị được hàng rào kỹ thuật, chúng ta sẽ càng bị thiệt thòi. Cho nên mặc dù cơ hội đã đến, những liên minh này rất có lợi cho chúng ta nhưng với điều kiện chúng ta phải hết sức chủ động và chúng ta phải tỉnh táo, khôn ngoan, sắc sảo trong chính sách của mình.

Phóng viên: Việc nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cũng như vai trò của công nghệ sinh học đã được các đại biểu tham dự APEC bàn rất nhiều trong những ngày qua vì đây là vấn đề mấu chốt để bảo đảm sản lượng lương thực trước những biến động của biến đổi khí hậu. Ông có ý kiến như thế nào và Việt Nam chúng ta đã có những động thái gì cho việc này?

GS.TS Bùi Chí Bửu: Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng. Những vấn đề này có nhiều giải pháp, trong đó công nghệ sinh học là giải pháp rất quan trọng.

Từ năm 1995, nhờ có Quỹ Rockefeller, chúng ta đã đào tạo được lực lượng cán bộ có chất lượng cao, sau đó chuyển sang giai đoạn tiếp theo là tiếp cận nhanh với những công nghệ mới: nghiên cứu biến đổi gen của các giống cây trồng chủ lực trong đó tập trung nhiều đến lúa, ngô, đậu nành, mía.

Về chăn nuôi, chúng ta tập trung nhiều đến gia cầm, lợn. Đây là những việc chúng ta đã làm tốt. Chúng ta đã tạo ra được giống lúa mới có những gen chống chịu mặn, những gen chống chịu hạn.

Phóng viên: Thưa Giáo sư,Việt Nam cần những hỗ trợ gì từ các nền kinh tế thành viên APEC?

GS.TS Bùi Chí Bửu: Các nền kinh tế thành viên APEC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của họ. Một trong những kinh nghiệm mà chúng tôi quan tâm là hệ thống luật pháp. Hệ thống luật pháp của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, các nền kinh tế APEC có hệ thống luật pháp đồng bộ từ đánh giá quyền sở hữu trí tuệ, các xét nghiệm an toàn sinh học, đa dạng sinh học... 

Thứ hai là hiện tượng trùng lặp. Ví dụ một giống mới đã được thương mại hóa ở Philippines, ở Việt Nam lại tiến hành làm từ đầu, đây là việc không cần thiết. Nếu có 1 nền kinh tế APEC đã đưa ra hệ thống hoàn chỉnh rồi, xét nghiệm từ đầu đến cuối rồi thì Việt Nam không phải lập lại các trình tự từ đầu đến cuối nữa. Các nền kinh tế APEC đang thảo luận để giải quyết vấn đề trùng lặp này.

Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư./.

Khắc Kiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực