|
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu kết luận hội nghị. |
Ngày 7/8, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất với 10 huyện, TP. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn, Phan Thế Tuấn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã qua 21 ngày không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Toàn tỉnh có 99,9% bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện. Hiện chỉ còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chủ yếu là bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại TP Hà Nội và nhiều tỉnh, TP phía Nam vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện 6 trường hợp F0 từ vùng dịch trở về.
Thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát người đến từ vùng dịch, vào 22 giờ ngày 6/8, tại chốt kiểm soát dịch Cầu Vát (Hiệp Hòa), lực lượng chức năng phát hiện 1 trường hợp F0 là N.V.S ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hiệp Hòa đã khai thác lịch trình di chuyển của người bệnh, đưa những người tiếp xúc trực tiếp đi cách ly tập trung, khử khuẩn toàn bộ khu vực chốt kiểm soát.
Hiện toàn tỉnh có 369 doanh nghiệp (DN) trong 6 khu công nghiệp đang hoạt động, đạt 100% DN hoạt động trở lại bình thường. Đặc biệt, các DN quy mô lớn đang phục hồi sản xuất nhanh, đã sử dụng lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn so với thời điểm trước dịch.
Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng cơ bản các DN trên địa bàn tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Số DN hoạt động trở lại và lượng công nhân đi làm thực tế tại các khu công nghiệp đã tương đương với giai đoạn trước khi dịch bùng phát. Các công trình xây dựng đã tiếp tục tổ chức thi công, hoạt động thương mại, dịch vụ dần sôi động trở lại.
|
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ tiến độ phục hồi chậm hơn so với các tập đoàn, DN lớn, DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
DN vừa và nhỏ gặp khó do thiếu vốn và chi phí sản xuất tăng cao. Số lao động quay trở lại làm việc và số lao động được tuyển dụng mới chưa đáp ứng đủ quy mô, công suất hoạt động của DN. Chưa có nhiều DN ký kết thuê nhà trọ cho công nhân. Số lượng công nhân đi làm hằng ngày bằng phương tiện cá nhân rất đông (hơn 110 nghìn người) tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, dễ dẫn đến mất an toàn giao thông, gây ùn tắc tại khu vực các khu, cụm công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn đề nghị các huyện, TP kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng dịch, quản lý nguồn lây từ bên ngoài xâm nhập địa bàn tỉnh, đặc biệt nhóm đối tượng vận chuyển hàng hóa. Tiếp tục xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát cộng đồng, nhất là khu vực nguy cơ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ lợi ích của tiêm vắc xin trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng chí Phan Thế Tuấn đề nghị các huyện, TP quan tâm giám sát việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại các DN theo đúng quy định, tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng các DN tuyển dụng lao động, hỗ trợ người lao động đi làm bằng phương tiện di chuyển tập trung…
Vừa chủ động chống dịch, vừa đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khôi phục phát triển KT-XH
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương đánh giá, thời điểm này công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm an toàn, không để dịch xâm nhập từ các nguồn lây bên ngoài tỉnh. Người từ các tỉnh, TP có dịch bệnh trở về đều được theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện ca nhiễm kịp thời, không để lây lan thứ phát. Hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh diễn ra sôi động, nhiều dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động hiệu quả. Tâm lý người lao động tin tưởng, yên tâm trở lại làm việc trong bối cảnh các DN đều chủ động thực hiện phương án phòng, chống dịch, bảo vệ sản xuất an toàn.
Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, hiện một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Trong đó vẫn còn tình trạng lấy mẫu xét nghiệm lộn xộn, không giữ khoảng cách nơi đông người. Một số huyện chưa kiểm soát chặt chẽ lái xe đường dài, vẫn tụ tập đông người ăn uống.
|
Hình ảnh tại Hội nghị. |
Trong khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp một số khó khăn trong quá trình di chuyển công nhân, một số huyện triển khai hỗ trợ nhóm lao động tự do, trường hợp thuộc diện F0, F1 chậm.
Hiện dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát trên cả nước nên toàn tỉnh cần luôn chủ động cảnh giác cao đề phòng các yếu tố nguy cơ, không lơ là mất cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Đồng chí yêu cầu thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11 của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó, tập trung cao giữ vững thành quả chống dịch trong đợt dịch vừa qua, bằng mọi biện pháp không để dịch xâm nhập trở lại. Địa phương nào để dịch bùng phát trở lại sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Các huyện, TP rà soát lập danh sách quản lý chặt chẽ lái xe đường dài, quản lý tốt người từ tỉnh ngoài vào địa bàn, không được mời đối tác từ TP Hà Nội và các tỉnh có dịch về làm việc mà phải tổ chức làm việc trực tuyến, đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm, chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 quy mô lớn, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tranh thủ thời điểm dịch bệnh lắng xuống, các huyện, TP chủ động phương án “4 tại chỗ”, nhất là tiếp tục củng cố nhân lực, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát trở lại. Các phương án chuẩn bị đều ở cấp độ cao hơn, nhất là việc chuẩn bị cơ sở vật chất có thể đáp ứng được khả năng điều trị cho khoảng 11 nghìn bệnh nhân COVID-19.
Đồng chí yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khôi phục phát triển KT-XH, đưa DN hoạt động trở lại theo đúng quy trình sản xuất, kinh doanh an toàn phòng, chống dịch; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa.
Thời điểm này, toàn tỉnh tập trung cao phục hồi mọi hoạt động KT-XH để có nguồn lực chống dịch hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội. Các ngành, địa phương quan tâm công tác tiêu thụ nông sản, phát triển sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, tiềm năng, thế mạnh đồi vườn của tỉnh Bắc Giang.
Do tác động của dịch bệnh, đối tượng lao động tự do gặp nhiều khó khăn nhất, đồng chí yêu cầu các huyện, TP đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ./.