|
Đồng chí Mai Sơn trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo 6 tháng cuối năm 2023. |
Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song với quyết tâm, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của UBND tỉnh và chính quyền các cấp; cùng sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), KT-XH 6 tháng đầu năm vẫn đạt được kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 10,94%, đứng thứ hai cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 82.010 tỷ đồng, ước đạt 45,2% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; toàn tỉnh có thêm 3 xã, nâng tổng số lên 148 xã (chiếm 81,3%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Các lĩnh vực dịch vụ, thương mại tiếp tục tăng trưởng khá. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện đáng kể; chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 có sự thăng tiến vượt bậc, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 29 bậc so với năm 2021).
Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tăng mạnh; trong đó, thu hút đầu tư FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, đứng thứ ba cả nước (sau TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Việc huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển được chú trọng; hạ tầng KT - XH tiếp tục được cải thiện (đặc biệt đã tháo gỡ xong nút thắt cầu Như Nguyệt - một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm và có nhiều ý kiến trong các kỳ họp). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục và đào tạo được duy trì tốp dẫn đầu cả nước; thể thao thành tích cao đạt kết quả nổi bật; an sinh xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Hợp tác giữa Bắc Giang với các tỉnh giáp ranh và các địa phương nước ngoài được tăng cường, mở rộng và nâng cao.
Môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư và phát triển DN tăng cao. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) các khu công nghiệp có nhiều cố gắng, đạt kết quả tích cực.
|
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục được duy trì trong tốp dẫn đầu cả nước; lĩnh vực văn hóa được quan tâm hơn; đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí...
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm 2022, thấp hơn so với kỳ vọng và kịch bản năm 2023. Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều thách thức do chi phí tăng cao, đơn hàng sụt giảm; kết quả thu nội địa đạt khá, nhưng mức độ tăng, giảm của các chỉ tiêu lại có sự chênh lệch lớn, nhiều chỉ tiêu thu đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ. Đặc biệt, thu tiền sử dụng đất thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Tình trạng thiếu giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học và tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại một số trường gây khó khăn trong việc dạy và học. Các đơn vị y tế công lập gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn…
Đồng chí Mai Sơn đề nghị các cấp, ngành tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất; đẩy mạnh thu ngân sách; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trọng tâm là hạ tầng khung về giao thông, công nghiệp, đô thị.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; chú trọng công tác y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chất lượng giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề; đổi mới các hoạt động, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch.
Thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, quản lý lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; tăng cường an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự xã hội; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp tốt với MTTQ và các đoàn thể các cấp.
Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đứng 1 cả nước
|
Đại tá Nguyễn Quốc Toản trình bày báo cáo tại kỳ họp. |
Trình bày báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình và tác động của nhiều yếu tố đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, song trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) nói chung, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng.
Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao uy tín, hình ảnh của tỉnh. Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự của tỉnh (công bố tháng 4/2023) đạt 8,60 điểm, xếp hạng 1/63 tỉnh, TP trong bảng xếp hạng chỉ số PCI.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, duy trì hoạt động của mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; hiệu quả tham mưu của một số cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hòa giải ở cơ sở còn chưa cao.
Một số điểm mâu thuẫn, nhất là liên quan đến GPMB, đất đai, tài nguyên chưa được sự đồng tình của người dân, dẫn đến khiếu kiện, tụ tập đông người gây phức tạp về ANTT. Một số loại tội phạm tăng và tiềm ẩn phức tạp, nhất là tội phạm lợi dụng công nghệ cao, mạng Internet, mạng viễn thông để phạm tội.
Cũng trong buổi sáng 13/7, các đại biểu đã nghe trình bày 9 báo cáo và thông báo quan trọng; báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo thẩm tra của các Ban thuộc HĐND tỉnh: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Pháp chế…
Thông báo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2022.
Sáng nay, HĐND tỉnh cũng đã tiến hành miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Lê Văn Thắng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh do nghỉ chế độ hưu trí; đồng thời bầu bổ sung đồng chí Phạm Văn Tạo, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tham gia Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021- 2026…/.