|
Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. (Ảnh: baobacgiang.com.vn) |
Là tỉnh miền núi với 09 huyện, 01 thành phố, Bắc Giang có 6 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh với hơn 260 nghìn người. Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng DTTS&MN, diện mạo nông thôn vùng DTTS&MN của tỉnh đã có những thay đổi căn bản theo hướng tích cực; kinh tế vùng dân tộc thiểu số hàng năm tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng DTTS&MN được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày các tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; đời sống đồng bào vùng DTTS&MN ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm bình quân 5,2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,63%/năm; số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 40 xã (giai đoạn 2016-2020) xuống còn 28 xã (giai đoạn 2021-2025), số thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 407 thôn (giai đoạn 2016-2020) xuống còn 244 thôn (giai đoạn 2021-2025); văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS&MN ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng lên.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, để có những kết quả như trên, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh - trật tự trên vùng DTTS&MN, nhất là các điểm nóng, phức tạp, tranh chấp đất đai kéo dài. Qua đó, đã kịp thời phối hợp với các huyện, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ, giải quyết hạ nhiệt các điểm nóng, phức tạp trên địa bàn; hướng dẫn, chỉ đạo các huyện thực hiện cơ chế, chính sách và quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ người có uy tín hoạt động, phát huy vai trò hiệu quả tại cơ sở; triển khai thực hiện cấp phát báo cho người có uy tín theo định kỳ; tổ chức gặp mặt, tặng quà cho người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên Đán;…
Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Ngay trong quý I/2022, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 06/4/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN.
Theo ông Vi Thanh Quyền, Bắc Giang là một trong những tỉnh ban hành được Nghị quyết nguyên tắc phân bổ vốn sớm nhất cả nước. Đến tháng 6/2022, trong hoàn cảnh một số bộ, ngành TW chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện, nhưng để kịp thời trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 7/2022 về phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao vốn thực hiện Chương trình năm 2022, Ban Dân tộc đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; đồng thời chủ động hướng dẫn các huyện, đơn vị chủ trì xây dựng đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện ngay trong tháng 7/2022, sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết phân bổ vốn để sớm đưa Chương trình vào cuộc sống.
Nhằm chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2021, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện dự án xây dựng phần mềm “Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030”. Phần mềm đã hoàn thiện, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong quý I/2022. Qua đó giúp cho công tác quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình được kết nối, giải quyết hoàn toàn trên Hệ thống phần mềm điện tử.
Song song với việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai một số chương trình, chính sách đặc thù của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS&MN như: ban hành chính sách mới về đầu tư xây dựng ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2022-2024. Chính sách mới đã được thông qua, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2021-2025 có tổng mức đầu tư là 165,5 tỷ đồng với 73 công trình ngầm và cầu dân sinh trên địa bàn 68 thôn, bản vùng đồng bào DTTS&MN.
Năm 2022, thực hiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ xã, thôn, bản công tác ở vùng DTTS&MN với kinh phí 225 triệu đồng, Ban Dân tộc đã tổ chức các lớp Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 150 học viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn vùng DTTS&MN; tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho 15 người là đại diện hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hợp tác xã du lịch cộng đồng ở địa bàn thôn, bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế…
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục tranh thủ sự quan tâm ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; thường xuyên kết nối, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác dân tộc; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt; thực hiện tốt cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành trong giải quyết công việc và trong tổ chức thực hiện Chương trình.
Quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, nhất là cấp huyện, cấp xã để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN đến cán bộ đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức, để từ đó tích cực tham gia và giám sát quá trình thực hiện, huy động tối đa sự tham gia của của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư để thực hiện hiệu quả các dự án trên địa bàn vùng DTTS&MN.
|
Đ/c Lê Ánh Dương và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN năm 2022. |
Tham mưu triển khai thực hiện tốt các nội dung được giao trong năm 2022 của Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các huyện, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để khởi công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh, các công trình cơ sở hạ tầng, dự án, chính sách được phê duyệt, giao vốn thực hiện năm 2022; tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp... tham gia phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội vùng DTTS&MN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và ngăn ngừa vi phạm, tránh thất thoát, lãng phí trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo trong vùng DTTS&MN như: Các chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn; hỗ trợ các thôn, bản khó khăn nhất; đầu tư xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh; hỗ trợ học sinh nội trú, bán trú, hỗ trợ đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách khác và sự giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp để tạo thêm nguồn lực trợ giúp các thôn, bản đặc biệt khó khăn cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho nhân dân…
Cùng với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, bản thân đồng bào vùng DTTS&MN của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó vươn lên, đưa khu vực đồng bào DTTS&MN của tỉnh ngày càng phát triển về mọi mặt. Để thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không để người dân nào, khu vực nào bị bỏ lại phía sau; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS&MN đối với Đảng, Nhà nước; Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, sát sao hơn nữa; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân tộc và khu vực đồng bào DTTS&MN trên địa bàn./.