Bắc Giang tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Thứ năm, 21/10/2021 20:00
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu ngành Công Thương cần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; chủ động tham gia vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; đặc biệt, cần chú trọng gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp; hoạt động xuất nhập khẩu và triển khai các vấn đề liên quan đến chợ đầu mối.
leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Ngày 21/10, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Công Thương về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm và năm 2022. Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Thảo luận tại buổi làm việc, các ý kiến nêu rõ hiện ngành Công Thương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp (CCN). Công tác bảo vệ hành lang lưới điện chưa được tốt, một số doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) đăng ký công suất rất lớn không theo quy hoạch điện của tỉnh đã được phê duyệt dẫn đến việc lập kế hoạch cấp điện rất khó khăn. Về hạ tầng các chợ dân sinh, nhiều chợ đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo; tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ còn chậm. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển chợ từ các DN, hợp tác xã còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn, miền núi…

Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh quan tâm, có ý kiến với Bộ Công Thương về việc cho phép thành lập Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bắc Giang nhằm giúp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu, giấy chứng nhận gia công hàng hóa, giấy chứng nhận xuất, nhập khẩu hàng hóa theo quy định và theo ủy quyền của Bộ Công Thương.

UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách năm 2022 cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại mua sắm một xe ô tô bán tải để phục vụ công tác khảo sát, giám sát, nghiệm thu các đề tài khuyến công, tổ chức diễn đàn, tuần lễ xúc tiến thương mại. Đồng thời cho phép khảo sát, lập bản đồ số hóa hướng tuyến đường dây và trạm biến áp 110kV trở lên giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Bắc Giang được phê duyệt để tránh chồng chéo với các quy hoạch ngành khác.

leftcenterrightdel
Đ/c Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trao đổi một số nội dung tại buổi làm việc

Theo đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay ngành Công Thương đã chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo khôi phục sản xuất công nghiệp của các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng chí lưu ý Sở Công Thương cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp mới, hiệu quả để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, đồng chí Lê Ánh Dương biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Sở Công Thương trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Đồng chí lưu ý, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm nay và những năm tiếp theo, ngành Công Thương cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Nhất trí với các đề xuất của Sở Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Bắc Giang hiện có nhiều điều kiện phát triển công nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng hấp dẫn hơn, bảo đảm điều kiện thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng cho toàn cầu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng chợ đầu mối tại Bắc Giang... Đây là cơ hội đối với ngành Công Thương nhưng khó khăn đặt ra cũng rất nhiều. Đó là trong thời gian tới, dự báo sẽ thiếu điện, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tình hình tiêu thụ nông sản mà thị trường chính là Trung Quốc không thuận lợi.

Trước thực tế đó, đồng chí yêu cầu ngành Công Thương quan tâm thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ chính đó là tích cực nghiên cứu chuyên đề để nâng cao chất lượng tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, xuất khẩu nông sản, điện, năng lượng, chợ… Làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, áp dụng số hóa vào quản lý; kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp, kinh doanh trên mạng Internet, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.

Đặc biệt, ngành Công Thương cần tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; chủ động tham gia vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; phối hợp ngành liên quan bảo đảm nguồn điện cho sản xuất công nghiệp. Chú trọng gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư vào các CCN; hoạt động xuất nhập khẩu và triển khai các vấn đề liên quan đến chợ đầu mối.

leftcenterrightdel
 Đ/c Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình, kết quả của ngành Công Thương 10 tháng năm 2021

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nêu rõ, 10 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) toàn tỉnh ước đạt gần 245 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ, bằng 71,9% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng gần 50% so cùng kỳ, đạt hơn 92% kế hoạch.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại tỉnh, thời gian qua, Sở đã kịp thời tham mưu BCĐ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, bảo đảm các điều kiện an toàn cho sản xuất, lưu thông, thị trường tiêu thụ giúp DN bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhanh chóng hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh Bắc Giang quyết định mở rộng CCN Nghĩa Hòa; đề xuất giãn tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng CCN. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập được 45 CCN với tổng diện tích 1.738 ha, trong đó có 30 CCN có hạ tầng kỹ thuật đã đi vào hoạt động, với diện tích hơn 922 ha; 15 CCN đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, đất đai, bồi thường GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích 815 ha. Diện tích đất công nghiệp đã cho doanh nghiệp thứ cấp thuê là 424 ha với 230 dự án đăng ký.

Sở phấn đấu hết năm nay hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu chủ yếu của ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt hơn 302 nghìn tỷ đồng, tăng 13,24% so năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 14.800 triệu USD tăng 32,2% so năm 2020. Giá trị nhập khẩu 13.800 triệu USD, tăng gần 26% so năm trước./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực