|
Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo sau khi theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến. |
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư; lãnh đạo TAND Tối cao và một số đơn vị theo dõi phiên tòa tại điểm cầu T.Ư.
Tại điểm cầu TAND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự và chỉ đạo. Cùng dự, theo dõi phiên tòa còn có các đồng chí: Vũ Mạnh Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ CCTP tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Sở Tư pháp; Công an tỉnh; Viện KSND tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Pháp chế HĐND tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh.
Điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh Bắc Giang; điểm cầu thành phần tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang và TAND huyện Tân Yên. Phiên tòa được kết nối trực tuyến với tất cả điểm cầu ở TAND các cấp trên cả nước để rút kinh nghiệm.
|
Quang cảnh phiên tòa xét xử trực tuyến tại điểm cầu TAND tỉnh Bắc Giang. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh cho biết, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2022 theo quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15, ngày 12/11/2021 của Quốc hội.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ CCTP tỉnh, TAND tỉnh Bắc Giang đã tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện về con người, trang thiết bị kỹ thuật để đón đầu chủ trương xét xử trực tuyến. Đồng thời chủ động đề xuất với TAND Tối cao lựa chọn tỉnh Bắc Giang cùng với TP Hà Nội và TP Hải Phòng là các đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức phiên tòa mẫu.
Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động CCTP; tạo cơ chế thuận lợi cho tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa; tiết kiệm chi phí xã hội; nâng cao năng lực hoạt động của tòa án; bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế, tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tại các điểm cầu, các đại biểu theo dõi phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (SN 1995) ở thôn Lý 1, xã Ngọc Lý (Tân Yên) bị Viện KSND TP Bắc Giang truy tố về tội “Cướp giật tài sản”. Cụ thể, Hội đồng xét xử TAND TP Bắc Giang, bị hại, kiểm sát viên Viện KSND TP Bắc Giang, người làm chứng ở điểm cầu TAND tỉnh; bị cáo ở điểm cầu Trại Tạm giam Công an tỉnh; những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ở điểm cầu TAND huyện Tân Yên.
Theo cáo trạng, tháng 9/2021, tại địa phận thôn Mai Cao, xã Song Mai (TP Bắc Giang), Nguyễn Văn Tuấn có hành vi cướp giật tài sản của chị Nguyễn Ngọc Anh (SN 2002) ở thôn Mai Cao, xã Song Mai, tổng trị giá tài sản cướp giật gần 1,5 triệu đồng.
Vụ án bảo đảm yếu tố có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ rõ ràng theo quy định tại Nghị quyết. Phiên tòa trực tuyến sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, đường truyền, hình ảnh, âm thanh tốt. Nhờ đó, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng ở các điểm cầu có thể theo dõi, xét hỏi, tranh tụng hiệu quả, bảo đảm tính chính xác, minh bạch.
Căn cứ vào tài liệu điều tra và lời khai của bị cáo, Hội đồng xét xử TAND TP Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuấn 3 năm 3 tháng tù.
|
Các điểm cầu xét xử. |
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, mục đích cao nhất của xét xử trực tuyến là phục vụ người dân tốt hơn, bảo đảm thời hạn xét xử các vụ án đúng theo luật định; góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; bảo đảm quyền con người, bảo vệ công lý; đẩy mạnh chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tỉnh Bắc Giang xác định đến năm 2025, Bắc Giang xếp thứ 15; năm 2030 xếp thứ 10 của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc tổ chức xét xử trực tuyến góp phần thực hiện tốt mục tiêu này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị BCĐ CCTP tỉnh và các cơ quan tư pháp, đơn vị liên quan cần sớm quán triệt, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, các quy định của pháp luật, nhân dân về quan điểm, chủ trương, tinh thần CCTP.
Cơ quan tư pháp, UBND các cấp và các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, bảo đảm xét xử trực tuyến hiệu quả, an toàn an ninh. Sở Thông tin và Truyền thống phối hợp với BCĐ CCTP tỉnh bảo đảm các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Xét xử trực tuyến phụ thuộc nhiều vào thiết bị, công nghệ, không có thiết bị, công nghệ thông tin thì không thể xét xử trực tuyến. Do vậy, đây là nội dung quan trọng.
Cùng đó, đội ngũ có chức danh tư pháp như thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên quan tâm học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành tố tụng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài án hình sự, thời gian tới cần quan tâm nghiên cứu, tổ chức xét xử sơ thẩm, phúc thẩm án dân sự và hành chính theo quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội./.