Cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng cơ sở

Thứ hai, 08/11/2021 19:26
(ĐCSVN) - Thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng, vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Vì vậy, đại biểu Thịnh đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đồng chí Phạm Văn Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận tại hội trường. 

Ngày 8/11, tiếp tục đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội tổ chức họp tập trung tại Thủ đô Hà Nội, thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, công tác tài chính - ngân sách và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Phạm Văn Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có bài phát biểu tham luận về công tác phòng, chống dịch COVID và phát triển kinh tế năm 2022.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID

Theo đại biểu Thịnh, báo cáo của Chính phủ đã mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, đánh giá đúng vai trò của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Có thể nói, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2021 đã rất linh hoạt, sát thực tiễn, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung ương đã không quản vất vả, nguy hiểm, xuống tận cơ sở, đi vào tâm dịch, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Chính phủ đã có quyết định quan trọng chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID”.

Đặc biệt, trong bối cảnh rất khó khăn, thiếu thốn về vaccine, sinh phẩm, thuốc, thiết bị cho xét nghiệm, điều trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã chủ động thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine. Chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay, chúng ta đã có 195 triệu liều vaccine có hợp đồng cung ứng, tính đến hết ngày 7/11 đã tiêm được 90 triệu liều, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đã đạt 84,13%. Đây là chiến lược cơ bản, lâu dài trong công tác phòng, chống dịch và bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân.

Qua đợt dịch COVID-19, cho thấy truyền thống đoàn kết, tinh thần sẻ chia, tình đồng bào lại được phát huy. Những tấm gương cán bộ ngành y tế, chiến sĩ quân đội, công an không ngại vất vả, hiểm nguy, quên mình trong thực thi nhiệm vụ; hình ảnh các tầng lớp nhân dân nhường cơm, sẻ áo ủng hộ đồng bào vùng dịch đã làm xúc động nhân dân cả nước. Trong dịch cũng cho thấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo chăm lo cho nhân dân, cấp ủy chính quyền cùng ngồi với nhân dân và doanh nghiệp tháo gỡ hiệu quả các khó khăn vướng mắc. Tình thương yêu giữa người với người; sự đồng hành, lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp của cấp ủy, chính quyền thực sự là những giá trị cần giữ gìn và phát huy sau đại dịch. Các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tin tưởng, đất nước chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và công tác phòng, chống dịch COVID 19 thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Thịnh đồng tình với các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề xuất một số ý kiến sau:

Về công tác phòng, chống dịch COVID -19, thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng, vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Chỉ xét riêng cho năng lực phòng chống bệnh lây nhiễm, trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 cũng rất hạn chế và đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh, thành phố làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch khi dịch ở mức độ bùng phát. Vì vậy, đại biểu Thịnh đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Về phát triển kinh tế năm 2022, trong khi Quốc hội và Chính phủ chưa quyết định về việc tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư công. Các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, phê duyệt tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy… cần được nghiêm túc nghiên cứu và cởi trói mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp theo nguyên tắc: Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện theo đúng tinh thần nêu tại Nghị quyết số 99 năm 2020 và Thông báo số 273 năm 2021 của Chính phủ. Trường hợp không thể phân cấp thì cần có quy định công khai minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm thủ tục hành chính được thực hiện nhanh, gọn và dễ giám sát. Tăng đầu tư toàn xã hội bằng cách này còn có tác dụng không đem lại rủi ro lạm phát cho nền kinh tế.

Việc quy định về tài khoản của tổ chức, công dân mở tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính cần được quản lý theo hướng phân tách rõ tài khoản tiết kiệm và tài khoản thanh toán, gắn với căn cước công dân và mã số thuế. Cùng với Đề án thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ mới ban hành và triển khai Mobile Money trong năm 2022, việc hoàn thiện quy định về tài khoản của công dân, tổ chức sẽ góp phần quyết định nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; bảo đảm các hợp đồng thương mại trong nền kinh tế được thực thi tốt hơn, đồng thời cũng bảo đảm quyền bí mật về tiền, tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, công dân. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tạo lập một xã hội công bằng, văn minh và thượng tôn pháp luật.

Doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm

Thông qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Thịnh chuyển đến Quốc hội và Chính phủ 2 ý kiến đề nghị được xem xét:

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 như hiện nay, các doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần số giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm để các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất kịp và bù các đơn hàng cho đối tác, bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp thiết tha mong muốn Quốc hội và Chính phủ có văn bản sớm cho việc này, bằng không doanh nghiệp rất lo lắng vì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ sản xuất do quá giờ làm thêm.

Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hiện đang có nghịch lý là: Nhà máy chạy ổn định, hết công suất, sản phẩm sản xuất tới đâu bán hết tới đó, chiếm 20% thị phần cả nước và đáp ứng trên 70% nhu cầu các tỉnh phía Bắc nhưng liên tục bị lỗ kéo dài. Cử tri Công ty phản ánh nguyên nhân là do lãi suất khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện ở mức cao từ 10,8- 18%/năm. Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền cơ cấu lại khoản vay, đưa lãi suất về lãi suất thị trường và kéo dài thời hạn khoản vay. Nếu được như vậy, thì Công ty sẽ có lãi ngay từ năm 2021 và có khả năng trả đầy đủ khoản vay cho Ngân hàng Phát triển vào năm 2029.

Ngoài ra, cử tri Công ty cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xem xét sớm sửa đổi quy định mặt hàng phân bón (trong đó có đạm Ure) từ sản phẩm không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT với thuế suất 0%. Vì với quy định không chịu thuế, thì toàn bộ thuế GTGT đầu vào cho sản xuất phân bón không được khấu trừ nên tăng giá thành sản xuất phân bón chứ không đạt được mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ cho người nông dân, đồng thời lại giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực