Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế

Thứ năm, 08/12/2022 22:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Nhận diện những khó khăn trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho rằng, các giải pháp trong năm tới sẽ nhằm tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế thực chất, hiệu quả và bền vững hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu chất vấn.  

Sau khi kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang vào chiều 8/12, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã phát biểu làm rõ thêm về những nội dung các đại biểu thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, mục tiêu và những giải pháp chủ yếu năm 2023.

Vượt qua thách thức, nhiều chỉ tiêu vươn lên TOP đầu  

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIX, UBND tỉnh có 3 báo cáo và 16 Tờ trình trình HĐND tỉnh. Qua nghiên cứu, thảo luận ở Tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh.

Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022; mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2023 và một số vấn đề đại biểu quan tâm chất vấn tại kỳ họp, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, năm 2022 thực sự là một năm “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang. Trong khi những khó khăn thách thức cũ chưa qua (điển hình là dịch COVID- 19) thì lại xuất hiện thêm nhiều khó khăn, thách thức mới như nguy cơ lạm phát, suy giảm kinh tế, thị trường giá cả có nhiều biến động bất thường do tác động của xung đột giữa Nga và Ucraina… Song dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh; UBND tỉnh đã bám sát tình hình, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho sự phát triển, Bắc Giang đã chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh, nền kinh tế của tỉnh phục hồi toàn diện và tăng trưởng cao hơn trước thời điểm dịch bệnh COVID-19. Có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra; quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt mốc lịch sử mới, từ vị trí thứ 15 toàn quốc, thứ 2 vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Giang đã vượt qua 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc để vươn lên vị trí thứ 13 cả nước và đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra đến năm 2025. Tiềm lực, vị thế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục được củng cố, nâng lên; tạo đà thuận lợi để chúng ta bước sang năm 2023, năm bản lề của Kế hoạch 5 năm (2021-2025).

Tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Lê Ánh Dương cũng cho biết, kinh tế - xã hội năm 2022 còn những khó khăn, hạn chế, trong đó có 2 vấn đề lớn mà Bắc Giang cần phải nỗ lực khắc phục là: Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế mở rộng nhanh nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn chưa bằng mức bình quân chung cả nước (cả nước: 3.900 USD/người, của tỉnh là 3.400 USD/người); và tỉnh vẫn chưa tự chủ được ngân sách, cơ cấu thu chưa thực sự bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ tiền sử dụng đất (năm 2022: Thu nội địa 6.755 tỷ đồng trong khi chi thường xuyên hơn 11.000 tỷ đồng).

Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm “bản lề” để tạo ra những chuyển biến thực chất trong thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ 2023, cùng với thực hiện đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã trình với HĐND tỉnh; UBND tỉnh sẽ nhanh chóng tạo quỹ đất để thu hút đầu tư; phát triển sản xuất công nghiệp; tiếp tục thúc đẩy cho động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh. (Tỉnh có tăng trưởng 14,3% năm 2023 không phụ thuộc vào chính động lực này). Chủ động kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp; thường xuyên rà soát, kiểm tra đôn đốc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng để sớm có quỹ đất sạch thu hút đầu tư (KCN Việt Hàn; KCN Tân Hưng, KCN Yên Lư, KCN Hòa Phú, KCN Quang Châu mở rộng hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng để bắt đầu hoạt động trong năm 2023).

Các đại biểu dự Kỳ họp. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư thêm 03 KCN mới, 01 KCN mở rộng; sáp nhập 02 CCN đã có vào KCN. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tích cực phối hợp, đôn đốc các nhà đầu tư bám sát tiến độ, giải trình các nội dung liên quan, hoàn thiện hồ sơ đối với các khu công nghiệp này để sớm được Thủ tướng CP phê duyệt chủ trương đầu tư tạo quỹ đất gối đầu cho thu hút đầu tư năm 2024-2025.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư tiến hành các thủ tục, tiến độ đầu tư theo quy định; đưa các dự án mới vào hoạt động để giải quyết việc làm; thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế năm 2023. Đối với các nhà đầu tư vi phạm, không thực hiện tiến độ theo quy định sẽ tổ chức rà  soát, đánh giá, thu hồi dự án nếu đủ điều kiện thu hồi để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, tránh lãng phí đất đai.

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để đưa vào khai thác các tuyến đường giao thông mang tính kết nối, mở rộng không gian mới để phát triển công nghiệp; kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh (các địa phương này tỉnh đều đang có công trình xây cầu kết nối, việc hoàn thành trong 2023 có ý nghĩa rất quan trọng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn) và các tuyến đường kết nối các địa phương trong tỉnh với các KCN, đường cao tốc để phục vụ thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp.

Chỉ đạo các trường Cao đẳng, Trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên triển khai hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới đã được phê duyệt; mở rộng nâng cấp các chuyên ngành; chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng quản lý và kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động…

Tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về pháp lý, thể chế, quy hoạch cho các dự án đầu tư. UBND tỉnh sẽ sớm nghiên cứu sửa đổi các quyết định quy phạm pháp luật của UBND tỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trong thời gian tới. Tháo gỡ vướng mắc do quy hoạch.

Điều hành chặt chẽ thu - chi ngân sách; kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, điểm yếu nền kinh tế Bắc Giang là chưa tự chủ được ngân sách; cơ cấu thu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào thu từ tiền sử dụng đất. Năm 2023 dự báo là năm khó khăn của công tác thu ngân sách do thị trường bất động sản đang chững lại; đồng thời lạm phát, suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn về ngân sách, đảm bảo đủ các nguồn vốn thực thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ phát triển năm 2023; UBND tỉnh tập trung cao cho các giải pháp điều hành ngân sách theo phương châm thận trọng, nhịp nhàng giữa thu - chi, phải căn cứ vào khả năng thu ngân sách để triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ, đảm bảo sự phát triển ổn định, an toàn. Trong khó khăn, sẽ ưu tiên nguồn lực vào các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, kịp thời. Quản lý chặt chẽ các khoản vay và bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn; xử lý, giảm tỷ lệ và mức nợ đọng xây dựng cơ bản; không để phát sinh nợ đọng mới.

Tập trung cao giải ngân vốn đầu tư công, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, an ninh trật tự. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo ổn định đời sống nhân dân

Đồng chí Lê Ánh Dương cũng cho biết, ngoài các nội dung mà đại biểu thảo luận hôm nay cũng như những vấn đề cử tri kiến nghị; trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh sẽ luôn sâu sát, chỉ đạo các ngành, các địa phương kiểm tra, đánh giá thực tiễn các hoạt động kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn để kịp thời có giải pháp giải quyết triệt để; phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu KTXH năm 2023.

Theo chương trình, ngày mai (9/12), kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với nội dung xem xét, thông qua các dự thảo nghị quyết và bế mạc kỳ họp./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực