Dự hội nghị có đồng chí Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
|
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Sở Nội vụ báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Bắc Giang năm 2023.
Đối với Chỉ số PCI, tỉnh đạt 69,75 điểm, giảm 3,05 điểm so với năm 2022. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, tỉnh nằm trong top 5; đứng thứ 4/63 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023; đứng thứ 1/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc bao gồm: Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai. Theo VCCI việc giảm điểm số này là xu thế chung của các tỉnh, thành phố thuộc nhóm đầu về điểm số PCI năm 2023.
Điểm sáng trong kết quả PCI của tỉnh Bắc Giang năm 2023 phải kể đến việc chỉ số thành phần (CSTP) “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” đã vươn lên xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, CSTP “Tính năng động và tiên phong của Chính quyền tỉnh” tiếp tục đứng trong top 10 các tỉnh, thành phố dẫn đầu; các CSTP “Gia nhập thị trường” và CSTP “Chi phí thời gian” cũng đã có sự cải thiện tích cực. Đã có 92,42% doanh nghiệp đồng ý với chỉ tiêu “UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Chỉ số PAR Index năm 2023 đạt 91,16/100 điểm, tăng 2,62 điểm, tiếp tục xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 1 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Chỉ số bình quân chung cả nước là 86,98%.
Chỉ số SIPAS đạt 81,62%, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố tăng 3,36% và 06 bậc so với 2022. Chỉ số PAPI đạt 44,32/80 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm “Cao nhất” của cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những kết quả cũng như hạn chế trong thực hiện các chỉ số; đưa ra một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt mô hình “Chính quyền thân thiện” nhằm xây dựng một chính quyền thực sự chuyên nghiệp, tận tâm, vì Nhân dân phục vụ; đẩy mạnh hơn nữa triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại các sở, ban, ngành và địa phương…
Qua phân tích kết quả đánh giá của các chỉ số mang lại nhiều thông tin quan trọng và ý nghĩa cho tỉnh trong việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2024, tỉnh tiếp tục phấn đấu cải thiện nâng cao điểm số và thứ hạng PCI, duy trì Chỉ số PAR Index nằm trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; phấn đấu Chỉ số SIPAS đạt trên 90%, xếp trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số PAPI tiếp tục nằm trong nhóm cao nhất của cả nước.
|
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Phương báo cáo kết quả các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2023. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, kết quả chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2023 của tỉnh có nhiều chỉ số tăng điểm, song so với điểm tối đa còn khoảng cách rất lớn; nhiều chỉ số bị giảm điểm so với năm 2022. Do vậy, hội nghị phân tích các chỉ số nhằm giúp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh nhìn nhận, đánh giá lại những điểm chưa tốt, chưa làm được, các tồn tại, hạn chế khuyết điểm; kịp thời chỉnh sửa hoàn thiện các điểm yếu, tiếp tục xây dựng chính quyền thân thiện, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Ngay sau hội nghị đánh giá này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá các chỉ số liên quan đến lĩnh vực được giao; đồng thời quán triệt nghiêm túc cho các cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu kỹ tài liệu liên quan đến lĩnh vực phụ trách, thấy rõ được những tồn tại, hạn chế, tìm giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả; đối với những chỉ số thành phần giảm điểm cần làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan; tổng hợp báo cáo xong trước ngày 31/7/2024 gửi về Văn phòng UBND tỉnh trình Ban cán sự đảng UBND tỉnh.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt thực hiện 03 yếu tố quan trọng (gồm yếu tố con người - công nghệ - cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp).
Về yếu tố con người, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tính chuyên nghiệp, năng động gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó tiếp tục tăng tính minh bạch của cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong thực thi công vụ; kịp thời biểu dương khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức làm tốt nhiệm vụ; đồng thời xử lý nghiêm CBCC không làm tròn trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ có năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong quý III/2024 mỗi sở, ngành, cơ quan, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra, điều chuyển nếu CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ; qua đó là bài học cho các CBCCVC khác.
Đối với giải pháp về công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số, phổ cập công nghệ thông tin… đến tất cả các CBCCVC, người lao động và các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương lập danh sách đăng ký cán bộ đi làm thủ tục hành chính khi có doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh; tổ chức tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp cách làm thủ tục hành chính, cách tra cứu các tài liệu liên quan qua các hệ thống thông tin của tỉnh; lập nhóm Zalo cho các doanh nghiệp để thuận tiện tìm hiểu, tra cứu, giải đáp vướng mắc kịp thời những bất cập của doanh nghiệp.
Đối với giải pháp về cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp; thực hiện tiếp nhận và phản ánh những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời. Triển khai, nhân rộng mô hình chính quyền thân thiện; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến lao động; cải thiện các chất lượng các dịch vụ như: Cung ứng điện, môi trường, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm… đảm bảo kịp thời.
Các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, Hiệp hội Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm phối hợp, đồng hành cùng với các cấp chính quyền trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp./.