Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại tỉnh Bắc Giang

Thứ sáu, 12/04/2024 13:21
(ĐCSVN) - Ngày 12/4, đoàn công tác của Ban Kinh tế T.Ư do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban làm Trưởng đoàn có buổi làm việc và khảo sát tại tỉnh Bắc Giang nhằm phục vụ xây dựng các đề án sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết về kinh tế của Hội nghị T.Ư 5 khoá XII, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển trao đổi tại buổi làm việc. 

Kinh tế tư nhân đóng góp ngày càng cao cho tăng trưởng

Các nghị quyết về kinh tế của Hội nghị T.Ư 5, khoá XII gồm: Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết trên ở tỉnh Bắc Giang cho thấy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người quản lý và lao động trong DN nhà nước và nhân dân về phát triển kinh tế tư nhân, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước nâng lên và có bước chuyển biến tích cực.

Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh. Năm 2023, kinh tế tư nhân đóng góp 60% cho GRDP của tỉnh, 30% thu ngân sách. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Hầu hết các loại giá hàng hóa, dịch vụ được xác lập theo cơ chế thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế được bảo đảm hơn.

Nền kinh tế của tỉnh ngày càng hội nhập sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với khu vực kinh tế tư nhân được tăng cường và chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Các DN nhà nước sau khi cơ cấu, đổi mới đã từng bước hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả.

Kiến nghị một số nội dung

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các nghị quyết còn những hạn chế như: Năng lực chỉ đạo, điều hành và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, doanh nhân nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa theo kịp yêu cầu hội nhập, nhất là tư duy về kinh tế, trình độ ngoại ngữ, pháp luật...

Đồng chí Lê Ánh Dương thông tin cách làm sáng tạo, kinh nghiệm của Bắc Giang về thực hiện nghị quyết. 

Trong CCHC, các chỉ số (Par-index, PAPI, PCI) đã được cải thiện nhưng thứ hạng không ổn định. Môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện thông thoáng, hấp dẫn hơn song chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa thực sự cao, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, sử dụng tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường.

Mặc dù số DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động, giải thể, không tìm thấy địa chỉ, không kê khai thuế chiếm tỷ lệ cao. Số lượng hoạt động chỉ đạt 56% so với số đăng ký; tính liên kết giữa các DN trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa chặt chẽ. Đóng góp của các DN vào ngân sách tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với số lượng dự án và quy mô vốn thu hút.

Công tác quản lý nhà nước đối khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa chủ động, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc đề xuất điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư; chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực có liên quan, còn trông chờ vào các cơ quan nhà nước cấp trên dẫn tới nhiều trường hợp vi phạm nhưng chậm được phát hiện và xử lý.

Nhân dịp này, Bắc Giang đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo hướng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất cho UBND cấp tỉnh (do trong Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã được các bộ, ngành T.Ư cho ý kiến và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Quang cảnh buổi làm việc. 

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để điều chỉnh, bổ sung các nội dung cho đồng bộ với quy hoạch cao hơn theo Nghị quyết số 61 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; đồng thời bổ sung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đến nay, đã hoàn thành bước xin ý kiến các bộ, ngành T.Ư, do vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt để tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm nay.

Cùng đó, đề nghị các bộ, ngành T.Ư hướng dẫn lập dự toán kinh phí và sử dụng kinh phí thu được từ dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; tổ chức thực hiện thoái vốn, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần; ban hành bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh để các địa phương thực hiện đánh giá các mục tiêu về tăng trưởng xanh; hướng dẫn xử lý về các khoản vay nợ cũ của các công ty nông, lâm nghiệp.

Nhiều cách làm sáng tạo

Qua nắm bắt tình hình thực hiện các nghị quyết tại tỉnh Bắc Giang, các đại biểu thảo luận về vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, thoái vốn, cổ phần hoá DN nhà nước; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển kinh tế làng nghề; trích lập quỹ đổi mới sáng tạo trong DN; đồng thời đề xuất một số giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách trong đầu tư hạ tầng liên kết vùng giữa các địa phương.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ nêu một số kiến nghị về thể chế, chính sách. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, Bắc Giang triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, luôn tìm tòi điểm mới, sáng tạo. Vì thế, kinh tế tư nhân có đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng của tỉnh.

Bắc Giang luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt cho DN hoạt động. Tỉnh hỗ trợ, đồng hành để DN phát triển. Tỉnh có nhiều cách làm mới trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN với phương châm “mọi khó khăn, vướng mắc đều phải có hướng tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời”. Triển khai đồng bộ mô hình “Chính quyền thân thiện” tại 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và được nhân dân ghi nhận.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Trong thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang chú trọng thu hút hệ sinh thái đầu tư để DN yên tâm hoạt động tại tỉnh, gắn bó lâu dài với địa phương.

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao kết quả thực hiện của tỉnh Bắc Giang. Nhờ sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt, không trông chờ cấp trên nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đồng chí nhấn mạnh, những kiến nghị của Bắc Giang rất xác đáng, đồng thời có nhiều cách làm hiệu quả, đoàn công tác sẽ tiếp thu, bổ sung vào dự thảo đề án sơ kết thực hiện nghị quyết tới đây.

Theo chương trình, chiều nay (12/4), đoàn khảo sát tại một số DN tại thị xã Việt Yên và huyện Hiệp Hoà.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực