|
Quốc lộ 31, đoạn đi qua xã Phì Điền (Lục Ngạn) bị ngập do mưa lũ. |
Chiều 10/5, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Cùng đi có đại diện lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông - Vận tải, Văn phòng UBND tỉnh, huyện Lục Ngạn.
Đồng chí Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác đến kiểm tra tại một số điểm đang bị ngập nước trên quốc lộ 31 thuộc địa phận xã Phì Điền; thôn Cống Lầu (xã Phong Vân) và Trường Tiểu học Phong Vân.... Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn người dân và địa phương gặp phải trong trận mưa lớn này.
Hiện nước đã rút, đồng chí yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện huy động tối đa nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; bảo đảm giao thông được thông suốt, các hộ dân di dời sớm trở về nhà ổn định cuộc sống.
Kiểm tra tình hình thực tế tại Trường Tiểu học Phong Vân, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, tại thời điểm đầu giờ sáng 10/5, nước lũ bắt đầu dâng cao, khi đó có khoảng 380 em học sinh đã đến trường. Các thầy, cô giáo đã kịp thời di chuyển toàn bộ học sinh lên tầng 2 để bảo đảm an toàn, chờ nước rút.
|
Đồng chí Lê Ánh Dương kiểm tra tình hình mưa lũ tại đường tỉnh 290 đi xã Tân Sơn (Lục Ngạn). |
Đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận, đánh giá cao việc xử lý tình huống của thầy, cô giáo nhà trường trước diễn biến phức tạp của mưa lũ; đồng thời yêu cầu huyện Lục Ngạn khẩn trương triển khai phương án hỗ trợ cơ sở vật chất không chỉ riêng cho Trường Tiểu học Phong Vân mà còn với toàn bộ những trường bị ngập lụt ở các xã để kịp thời đón học sinh đi học trở lại trong thời gian sớm nhất.
Chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, kịp thời có hình thức cảnh báo sớm cho người dân những điểm mưa lũ và sạt lở nguy hiểm; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các cấp tập trung cao cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, bảo đảm đời sống cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, qua trận mưa lũ này, huyện Lục Ngạn cần xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết đối với các khu vực xung yếu, nguy cơ cao khi mùa mưa lũ đến để chủ động, kịp thời phản ứng khi có tình huống bất ngờ. Cùng đó, phổ biến kinh nghiệm của thầy, cô giáo Trường Tiểu học Phong Vân về xử lý tình huống khi lũ đến bất ngờ trong trường học đến các nhà trường trên địa bàn huyện, từ đó nhân rộng trong toàn tỉnh.
Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn, từ rạng sáng đến 11 giờ ngày 10/5, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn làm sập 2 nhà tại xã Phong Vân; gãy đổ 3 cột điện hạ thế tại xã Cấm Sơn; sạt lở đất đá ở một số địa bàn thuộc tuyến tỉnh lộ 290 từ xã Hồng Giang đi cấm Cấm Sơn; sạt ta luy âm ngầm Thắng Má (xã Tân Sơn) khoảng 30 m.
|
Đoàn viên thanh niên cùng các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Phong Vân dọn dẹp trường học sau mưa lũ. |
Có 7 trường học tại các xã: Phong Vân, Tân Hoa, Giáp Sơn, Cấm Sơn bị ngập; 600 m tường vành lao trụ sở UBND các xã: Tân Hoa, Đồng Cốc, Phong Minh, Phong Vân bị đổ.
Một số tuyến giao thông tại các xã: Phong Minh, Biên Sơn, Hộ Đáp, Phong Vân bị sạt lở ước tổng chiều dài khoảng 300 m. Quốc lộ 31 qua các xã: Đồng Cốc, Tân Hoa bị ngập sâu trong nước.
Ngay khi mưa lớn xảy ra ngập lụt, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo chính quyền các địa phương kịp thời di dời 50 hộ dân ở các xã: Cấm Sơn, Sa Lý, Hộ Đáp, Phong Vân và Kim Sơn đến nơi an toàn.
Đồng thời cắt điện tại các xã: Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Minh, Sa Lý để xử lý sự cố. Cùng đó, huy động lực lượng dân quân, thanh niên tình nguyện ở các xã đến vùng có nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt, đặc biệt là các tuyến đường có ngầm để hướng dẫn người dân không đi qua các đoạn đường bị ngập và thông báo cho hộ dân không cho con đến trường học./.