|
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Sáng 9/9, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với Hội Nông dân (HND) tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “HND các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025”.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và Chủ tịch HND các huyện, TP.
Theo báo cáo, ngay khi đề án được phê duyệt, HND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), Tổ giúp việc thực hiện đề án, ban hành 3 kế hoạch thực hiện.
Đồng thời có công văn về việc phối hợp chỉ đạo đề án của HND giai đoạn 2022-2025 gửi cấp uỷ, chính quyền các huyện, TP; ban hành văn bản chỉ đạo HND các huyện, TP khảo sát, lựa chọn, đăng ký xây dựng mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP năm 2022.
Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, HND các cấp tổ chức hơn 1 nghìn buổi tuyên truyền (dưới dạng hội nghị chuyên đề, hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; hội thi nhà nông đua tài) về các nội dung của đề án đến các cán bộ, hội viên, nông dân và chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, HND tỉnh đã hướng dẫn thành lập được 29 tổ hợp tác (THT) và 10 hợp tác xã (HTX), nâng tổng số THT, HTX do hội hướng dẫn thành lập lên 289 THT và 90 HTX. Trong đó có HTX mới thành lập nhưng đã tích cực tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP như: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan, HTX Cường Nhung (Yên Thế); HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang),...
Trên cơ sở 56 sản phẩm chủ lực, tiềm năng của 10 huyện, TP đăng ký xây dựng thành sản phẩm OCOP năm 2022, HND tỉnh phối hợp cùng Công ty cổ phần Phát triển Dược khoa khảo sát, đánh giá, lựa chọn 16 sản phẩm có khả năng đạt OCOP năm 2022 để tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Trong đó, có 15 sản phẩm chủ thể là HTX, 1 chủ thể là hộ kinh doanh, với 2 sản phẩm chủ lực, 3 sản phẩm đặc trưng, 6 sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu làm rõ thêm những thuận lợi, vướng mắc khi thực hiện Đề án. Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết các sản phẩm đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn hiện nay đều là những sản phẩm có quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp.
Đa số các chủ thể tham gia chương trình OCOP đều khó khăn về vốn sản xuất và chi phí hoàn thiện, công nhận sản phẩm. Đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ, bố trí kinh phí cho các chủ thể tham gia xây dựng, hoàn thiện, nâng cao và phát triển sản phẩm, xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, đại diện các Sở: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ đã giải đáp một số nội dung liên quan đến hỗ trợ kinh phí, xúc tiến thương mại, mở rộng vùng sản xuất và hướng dẫn cấp chứng nhận, chỉ dẫn địa lý sản phẩm OCOP.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thu Hồng ghi nhận kết quả mà các cấp HND đã đạt được sau 9 tháng triển khai đề án. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền về đề án chưa thực sự hiệu quả; các sản phẩm được hỗ trợ, tư vấn chưa đa dạng, giá trị gia tăng thấp; việc liên kết theo chuỗi chưa được các chủ thể quan tâm…
|
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng cùng các đại biểu thăm mô hình sản xuất dứa sạch tại thôn Hưởng 8, xã Hương Sơn. |
Để các nội dung của đề án tiếp tục được triển khai hiệu quả, đồng chí Lê Thị Thu Hồng yêu cầu HND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, mục tiêu của đề án. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Tăng cường thông tin, tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của kinh tế tập thể, HTX và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hình thức hợp tác, liên kết, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; phổ biến rộng rãi các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, HTX hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là năng lực quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP và nguồn nhân lực quản lý HTX.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thành lập mới các THT, HTX nông nghiệp tại những địa phương đang có các sản phẩm truyền thống, đặc trưng để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP. Tăng cường liên kết giữa các HTX để phát triển sản xuất đồng bộ, mở rộng quy mô, đẩy mạnh quảng bá và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, phát triển, hoàn thiện các sản phẩm mới. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận, đặc biệt là các sản phẩm OCOP có thương hiệu, thế mạnh của địa phương; phát triển quy mô sản xuất, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Hỗ trợ các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng yêu cầu HND tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện đề án; xác định rõ nội dung chính của đề án là phát triển kinh tế tập thể và sản phẩm OCOP là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp HND giai đoạn 2022-2025.
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, UBND các huyện, TP và sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động, bảo đảm chất lượng và đúng lộ trình theo kế hoạch, tránh tính hình thức, làm theo phong trào.
Trước đó, đồng chí Lê Thị Thu Hồng cùng các đại biểu đã kiểm tra thực tế, thăm mô hình sản xuất của HTX Dứa sạch Hương Sơn và Tổ hội nghề nghiệp ẩm thực Hương của núi, xã Hương Sơn (Lạng Giang). Đây là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh trong việc triển khai, thực hiện đề án./.