|
Đồng chí Lê Ánh Dương trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang. |
Theo báo cáo, kinh tế của Bắc Giang liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 14%, giai đoạn 2021-2023 là 14%, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đến hết năm 2023 quy mô GRDP của tỉnh đạt 181,9 nghìn tỷ đồng, gấp 7,5 lần năm 2011. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ được đầu tư đồng bộ.
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang có chỉ số PCI xếp thứ 2 cả nước; chỉ số PAR INDEX xếp thứ 4; chỉ số SIPAS xếp thứ 44. Năm 2023, chỉ số PAPI xếp thứ 10.
Để nâng cao hiệu quả các chỉ số, tỉnh Bắc Giang có nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình thực hiện với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh chủ động, quyết liệt và đổi mới, tạo sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Từ năm 2016 tới nay, các nghị quyết cấp tỉnh đều đưa nội dung về cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp vào phần phương hướng nhiệm vụ cho năm kế tiếp.
|
Đồng chí Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngay sau công bố kết quả chính thức các chỉ số hằng năm, tỉnh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu để nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế. Cùng đó phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì gắn với thời gian hoàn thành; tổ chức kiểm điểm đánh giá thường xuyên. Tập trung thực hiện hiệu quả “3 đột phá chiến lược gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược, xây dựng thể chế hành chính và đào tạo nguồn nhân lực”.
Công tác xây dựng quy hoạch được Bắc Giang xác định phải mang tầm chiến lược, luôn phải đi trước một bước để thu hút nguồn lực đầu tư. Bắc Giang triển khai đa dạng kênh tiếp nhận thông tin, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo; áp dụng nhiều sáng kiến, mô hình hay trong CCHC. Tỉnh triển khai một số cách làm mới trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp với phương châm “mọi khó khăn, vướng mắc đều phải có hướng tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời”.
Tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách chế độ công vụ; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngày 02/6/2023, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, trong đó phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động của cán bộ, công chức với phương châm “3 dám, 3 hơn, 5 rõ”. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ mô hình “Chính quyền thân thiện” tại 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và được nhân dân ghi nhận.
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi về giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, thanh toán không dùng tiền mặt; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; nâng điểm chỉ tiêu thành phần của các chỉ số; thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; việc phân công trách nhiệm của các cơ quan của tỉnh trong thực hiện từng chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS; hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng.
Cùng đó, các thành viên đoàn công tác tỉnh Hậu Giang còn nghe các đại biểu tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế, chính sách riêng của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và sắp xếp tổ chức bộ máy. Cách thức thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện” và một số mô hình CCHC sáng tạo như: “Ngày thứ Sáu không hẹn”, “Ngày Chủ nhật vì dân”.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương cho hay, dù Bắc Giang đã đạt những kết quả tích cực song vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Quá trình thực hiện các nhiệm vụ, tỉnh vừa làm vừa đúc rút những bài học kinh nghiệm.
|
Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang trao đổi tại buổi làm việc. |
Đó là trong chỉ đạo, điều hành phải làm tốt nội dung thể chế theo hướng minh bạch, rõ ràng; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để phát huy tính chủ động và nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương. Ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư xứng đáng cho hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường, phải tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Chú trọng công tác lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Công tác tổ chức bộ máy, tinh gọn theo hướng nâng cao hiệu quả được đẩy mạnh. Đặc biệt là tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
Đồng chí Đồng Văn Thanh chúc mừng những kết quả nổi bật của tỉnh Bắc Giang về phát triển KT - XH, CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cùng đó cảm ơn những chia sẻ của tỉnh về biện pháp nâng cao các chỉ số.
Qua buổi làm việc, một số kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang mà Hậu Giang có thể học tập đó là: Tinh thần quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức và vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm, xây dựng chính sách, cơ chế của tỉnh để triển khai các nhiệm vụ. Tăng cường nguồn lực đầu tư trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. Công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang có nhiều cách làm năng động, sáng tạo và có nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả trong nâng cao các chỉ số. Từ những kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hậu Giang sẽ nghiên cứu, áp dụng tại địa phương để từng bước nâng cao các chỉ số. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh mong muốn 2 tỉnh tiếp tục phối hợp, chia sẻ và hợp tác trên các lĩnh vực./.