Nông dân Bắc Giang kiến nghị giải quyết 8 nhóm vấn đề

Thứ bảy, 08/10/2022 17:28
(ĐCSVN) – Hội Nông dân tỉnh đã nhận được 96 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành. Các ý kiến tập trung vào 8 nhóm vấn đề…
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. 

Ngày 8/10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân. Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Hội Nông dân tỉnh chủ trì.

Nhiều kiến nghị từ cơ sở

Báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh, trước khi tổ chức đối thoại, Hội Nông dân tỉnh đã nhận được 96 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân gửi tới lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành.

Các ý kiến tập trung vào 8 nhóm vấn đề gồm: Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản; giải quyết mối liên kết “4 nhà”; ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất sau dồn điền, đổi thửa; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn; giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương bị thu hồi đất; phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) và việc nắm bắt, phát triển thị trường.

Trao đổi trực tiếp tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao trong khi một số sản phẩm bán ra với giá thấp dẫn đến lợi nhuận giảm, nông dân sản xuất không có lãi. Để nông dân không rơi vào tình trạng “được mùa, rớt giá”, UBND tỉnh, các ngành liên quan cần có giải pháp để bình ổn giá cả, tiếp sức để người dân yên tâm sản xuất.

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, xã Tân Mộc (Lục Ngạn), dù những năm qua, tỉnh, cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản song việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm đã được cấp mã vùng trồng, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trong khi đó, nhiều nông sản cùng loại được sản xuất đại trà, có chất lượng tương đương lại khó tiêu thụ, giá thấp.

Liên quan đến việc nâng chất lượng sản phẩm, ông Trần Xuân Đăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Trí Yên (Yên Dũng) nêu, dù đã đạt kết quả khả quan song các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, quy mô sản xuất chưa đủ lớn để tạo vùng hàng hóa tập trung gây khó khăn trong việc đầu tư và quản lý. Do đó, tỉnh cần đưa ra hướng đi mới để củng cố, xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng CNC.

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến nêu, hiện tại nhiều địa phương, các hộ nông dân đã tự ý chuyển đổi diện tích cấy lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng cây ăn quả khác mang lại hiệu quả rõ rệt song lại vi phạm theo Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh có chính sách, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đã chuyển đổi và đang sử dụng có hiệu quả hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan. Đại diện hội viên nông dân huyện Lạng Giang và Việt Yên kiến nghị, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải và hỗ trợ kinh phí cho các tổ vệ sinh môi trường; tăng mức giá đền bù đất nông nghiệp để phù hợp với giá trị sản xuất và giá thị trường hiện nay; hỗ trợ HTX tiếp cận vốn; thu hút trí thức trẻ về nông thôn...

Các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. 

Sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ nông dân

Với tinh thần đối thoại cởi mở, thẳng thắn, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ kinh nghiệm trong tiêu thụ nông sản những năm qua cho thấy, để thuận đầu ra, người dân cần phải phát triển sản xuất theo hướng lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có và phát triển bền vững để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Đối với chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, cùng với xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, ngành đã mạnh dạn thực hiện các mô hình chuyển đổi số và mang lại hiệu quả tích cực, giảm sức lao động. Để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, tới đây ngành sẽ quan tâm đẩy mạnh số hóa tại các vùng sản xuất lúa tập trung, bảo đảm tự động hóa khép kín từ khâu gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch.

Về những băn khoăn trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ông Dương Thanh Tùng cho biết, qua rà soát, trên địa bàn hiện có 53.011 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, trồng cây lâm nghiệp, đào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 6,6 nghìn ha. Đến nay, Sở đã hướng dẫn các địa phương hoàn thiện thủ tục chuyển đổi đối cho hơn 28 nghìn trường hợp với hơn 4 nghìn ha. Với những trường hợp còn lại, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát, phân loại để thực hiện thủ tục chuyển đổi trong thời gian tới. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, ngành sẽ đánh giá, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu chuyển đổi cho những địa phương còn dư địa.

Về một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế đất đai cũng như hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất tập trung, ứng dụng CNC, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại khoản 5, Điều 26 Luật Đất đai năm 2013, thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn là không quá 5 năm, do vậy việc kéo dài thời hạn thuê quỹ đất công ích không thể thực hiện được. Tuy nhiên để có thời hạn thuê đất được dài hơn, tạo hiệu ứng tích cực, giúp nông dân tăng thu nhập, nhân rộng những mô hình sản xuất chất lượng cao, giá trị lớn, bền vững, các chủ thể, HTX nghiên cứu chọn phương án lập dự án đầu tư phù hợp. Khi đó thời hạn sử dụng đất sẽ kéo dài theo thời gian hoạt động của dự án được phê duyệt.

Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, những vấn đề cán bộ, hội viên nông dân đưa ra đều sát tình hình thực tế, trong đó có những nội dung khó, cần tập trung tháo gỡ. Liên quan đến tiêu thụ nông sản, đồng chí cho biết, Bắc Giang là địa phương được đánh giá cao trong hỗ trợ tiêu thụ song thực tế mới chỉ có vải thiều được làm tốt, các sản phẩm nông sản khác vẫn phụ thuộc vào thị trường. Do đó, người dân cần thay đổi tư duy, quan tâm sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn để đưa ra các nước.

Đối với xử lý rác thải, đồng chí thừa nhận đây là vấn đề bức xúc trong giai đoạn hiện nay. Hiện việc thu gom đã cơ bản thực hiện tốt khi tại các thôn, bản, tổ dân phố đều có tổ vệ sinh môi trường; khâu vận chuyển cũng đã được quan tâm khi  các địa phương có kinh phí sự nghiệp môi trường để đầu tư mua xe vận chuyển. Tuy nhiên, tỉnh đang gặp khó khăn trong khâu xử lý. Để tháo gỡ, trước mắt tỉnh đã đầu tư xây dựng lò đốt rác khu vực cụm xã, liên xã.

Về lâu dài đã quy hoạch 4 nhà máy xử lý rác tại TP Bắc Giang và các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam và Hiệp Hòa. Hiện nhà máy xử lý rác thải tại Lục Ngạn đã đưa vào vận hành thử nghiệm; các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đang thu hút đầu tư. Riêng nhà máy tại TP Bắc Giang cần chờ quy hoạch điện VIII do liên quan đến đấu nối, phát điện. Dự kiến đến năm 2024, toàn bộ các nhà máy sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác, bài toán xử lý rác thải sẽ được giải quyết. Liên quan đến giá bồi thường đất nông nghiệp, đồng chí cho biết, hiện Quốc hội đang xem xét để sửa đổi Luật Đất đai, do đó việc thực hiện vẫn theo quy định hiện hành.

Điều chỉnh chính sách để nông dân yên tâm bám ruộng

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, tuy thời gian ngắn nhưng hội nghị đã thu được nhiều thông tin quý, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách của tỉnh nhằm đáp ứng mong muốn của bà con nông dân.

Các đồng chí chủ trì hội nghị đối thoại. 

Đồng chí cho biết, dù những năm qua, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức song lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả tích cực, trình độ sản xuất của nông dân nâng lên tầm cao, vượt trội so với nhiều địa phương. Đáng chú ý đã có nhiều sản phẩm vươn ra thế giới, có thương hiệu, uy tín, hình thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, thu hút nhiều trí thức tham gia sản xuất nông nghiệp... Trong thành quả ấy có đóng góp quan trọng của các cấp hội và hội viên nông dân trong tỉnh.

Qua trao đổi, đối thoại, các ý kiến từ cơ sở đều nêu trúng vấn đề, thể hiện tâm tư, nguyện vọng chung của nông dân trong tỉnh. Cùng với giải đáp, trả lời, tiếp thu các ý kiến, đồng chí đề nghị các ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh để đưa mục tiêu, chính sách mới, phù hợp, có độ bao phủ lớn để nông nghiệp phát triển mạnh, bền vững.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát các quy định, cơ chế chính sách của T.Ư, tỉnh để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, nhất là các chính sách khuyến khích liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm OCOP... Nghiên cứu, đưa ra giải pháp để nông dân khai thác, phát huy thế mạnh của từng địa phương; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số nhằm giảm chi phí đầu vào.

Sở Công Thương là đầu mối cung cấp thông tin thị trường cho nông dân để chủ động sản xuất theo nhu cầu; quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã dồn điền, đổi thửa; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, môi trường; phối hợp hướng dẫn để nông dân nắm được quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, các phụ phẩm trong trồng trọt thành phân bón....

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tập huấn, truyền thông về đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút lao động trẻ, lao động có trình độ về đầu tư, khởi nghiệp ở nông thôn. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút người có trình độ về làm việc tại các HTX; Sở Tài chính bố trí dự toán bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh để giúp hội viên nông dân được tiếp cận vay vốn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là những dự án có hiệu quả cao. Trước mắt chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh và Liên minh HTX thành lập tổ công tác tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu vay vốn của tất cả các HTX nông nghiệp, từ đó phân loại những khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ.

UBND các huyện, TP tổ chức và duy trì hội nghị đối thoại với nông dân vào quý III hằng năm để nắm bắt nguyện vọng, kiến nghị của nông dân, qua đó hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền. Hằng năm bố trí ngân sách bổ sung cho hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết, HTX.../.

Sỹ Quyết - Thế Đại

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực