|
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Dũng. |
Báo cáo của Huyện Yên Dũng cho biết, từ ngày 9 đến 8 giờ sáng 10/11 trên địa bàn huyện phát sinh 7 ca F0, liên quan đến công nhân tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Như vậy, tính từ ngày 26/10 đến nay, toàn huyện có 18 ca F0.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo PCD huyện chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp. Trong đó, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về PCD; rà soát, nắm chắc số người từ tỉnh ngoài về địa phương. Triển khai phần mềm Quản lý và truy vết COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thần tốc điều tra, truy vết tất cả các trường hợp liên quan đến những ca bệnh phát sinh.
Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên hệ thống truyền thanh về tình hình, diễn biến dịch bệnh; lịch trình di chuyển của các F0. Phát các thông báo khẩn của Sở Y tế để nhân dân biết, khai báo theo quy định; các văn bản chỉ đạo mới của T.Ư, tỉnh, huyện về PCD.
Toàn huyện hiện có 18 tiểu ban chỉ đạo cấp xã, 234 tổ, 808 nhóm COVID cộng đồng ở khu dân cư với hơn 2,3 nghìn thành viên, cơ bản do bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể làm tổ trưởng, nhóm trưởng.
Thành lập 35 tổ COVID nhà trọ công nhân. Các tổ, nhóm hoạt động tích cực, tham gia tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp PCD; kiểm soát nghiêm túc các trường hợp đến, trở về từ các địa phương khác, đặc biệt là từ vùng dịch; giám sát đối với các trường hợp phải thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và rà soát các đối tượng khó khăn do đại dịch.
|
Đồng chí Thạch Văn Chung, Bí thư Huyện ủy báo cáo công tác PCD của huyện. |
Qua báo cáo của huyện và kiểm tra tại một số chốt kiểm soát, hoạt động của tổ COVID cộng đồng trên địa bàn, đồng chí Lê Thị Thu Hồng ghi nhận sự chủ động và nỗ lực của huyện Yên Dũng, nhất là những biện pháp chỉ đạo triển khai quyết liệt bảo vệ thành quả PCD.
Đồng chí yêu cầu huyện tăng cường công tác tuyên truyền nhằm xây dựng, nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội trong công tác PCD. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ, nhóm COVID cộng đồng trong kiểm soát, giám sát, tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Giữ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu PCD như công an, quân đội và y tế. Gắn chặt chẽ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị để tạo sự quyết liệt hơn nữa trong công tác PCD.
Chuẩn bị chu đáo trang thiết bị, vật tư, thuốc, giường bệnh để có thể chủ động điều trị bệnh nhân F0 nếu có yêu cầu. Đặc biệt, khi có ổ dịch phát sinh trên địa bàn, cần sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với từng tình huống cụ thể của dịch bệnh./.