Bảo vệ môi trường nông thôn: Cần tái sử dụng các phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 30/10/2017 10:27
Mỗi năm, lượng rác thải ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Hàng triệu tấn rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa, bùn thải từ quá trình cải tạo ao, chất thải từ chăn nuôi, thu hoạch hoa màu… tạo nên một lượng rác thải khổng lồ đổ vào môi trường. Tái sử dụng rác thải giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập là yêu cầu quan trọng hiện nay.

Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) sử dụng rơm trong sản xuất rau màu. Ảnh: L.D

Với tổng diện tích hơn 177.210ha đất sản xuất lúa, sau mỗi mùa vụ, nông dân thải ra môi trường hàng triệu tấn rơm, rạ. Thế nhưng, việc tái sử dụng lại lượng rơm, rạ này không nhiều và phần lớn đều thải trực tiếp ra môi trường. Sau khi thu hoạch xong, nhiều nông dân vẫn còn duy trì hình thức đốt đồng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều vụ chết người, gây thiệt hại về tài sản do nạn đốt đồng đã xảy ra.

Theo thống kê của ngành Tài nguyên - Môi trường tỉnh, chỉ tính riêng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi ngày cũng thải ra môi trường gần 170kg rác/trang trại. Và với hơn 40 trang trại chăn nuôi trong tỉnh, lượng chất thải xả  ra môi trường trên 6,8 tấn/ngày. Bên cạnh đó, với tổng diện tích hơn 134.850ha nuôi trồng thủy sản, lượng bùn thải từ việc cải tạo ao đầm xả ra môi trường cũng là con số không nhỏ.

Đến nay, Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được các đầu mối đứng ra thu gom và tái sử dụng lại các chất thải có lợi này. Trong khi đó, nhiều tỉnh khác  có các dịch vụ chuyên thu gom rơm thông qua mô hình đóng rơm cuộn. Rơm cuộn này sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi làm thức ăn, phân bón, trồng nấm rơm… thay vì đổ ra môi trường gây ô nhiễm và làm cho nhiều tuyến kênh thủy lợi bị tắc dòng chảy, bồi lắng nhanh.

Trên thực tế, các phế phẩm và rác thải từ sản xuất nông nghiệp đều có thể tái sử dụng lại và phục vụ tốt cho sản xuất. Do vậy, việc phát triển và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, dịch vụ chuyên thu gom và tái sử dụng lại các chất thải, phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp cần được quan tâm. Đây không chỉ là việc làm góp phần bảo vệ môi trường sản xuất, mà còn giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận và góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới.

theo baobaclieu.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực