Cảnh báo lạm dụng kháng sinh và các loại hóa chất cấm trong nuôi tôm
Thứ hai, 24/04/2017 15:54 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Việc người nuôi tôm lạm dụng các loại kháng sinh cùng nhiều loại hóa chất cấm mà người nông dân xem như “thần dược” trở thành lực cản cho phát triển nghề nuôi tôm. Cũng như đẩy sản xuất vào cảnh rủi ro, thiếu bền vững, tác động xấu đến môi trường sản xuất, làm ảnh hưởng chất lượng con tôm Việt Nam xuất khẩu.
Chương trình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của Việt Úc - Bạc Liêu.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, để giải quyết tôm bệnh, bà con không ngần ngại “đổ” kháng sinh trị bệnh cho tôm mà không lường hết những hậu quả của nó. Kháng sinh và hóa chất tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái và gây tác động xấu đến môi trường. Môi trường nước ao nuôi biến đổi khiến tôm trở nên yếu ớt, bệnh tật. Thế là bà con lại cứu vãn bằng cách tiếp tục cho tôm “uống thuốc” kháng sinh với liều lượng cao hơn. Từ đó dần dần tạo ra những dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây nên hiện tượng “nhờn thuốc”, tôm ngày càng dễ bị bệnh và khó điều trị. Việc lạm dụng thuốc càng nhiều nhưng hiệu quả thấp làm cho chi phí đầu tư tăng cao, lợi nhuận giảm, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào cảnh rủi ro. Nhiều lô hàng tôm xuất khẩu có dư lượng kháng sinh cao bị trả về gây ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể như thị trường Brazil từng tạm ngừng cấp phép nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam; Nhật Bản đã yêu cầu kiểm tra Oxytetraxycline với 100% tôm từ Việt Nam; nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam cũng bị thị trường châu Âu trả về vì phát hiện vi phạm về chất lượng tôm. Đó là chưa kể đến những hiểm họa lâu dài với sức khỏe người tiêu dùng. Kháng sinh tích tụ trong cơ thể sẽ dẫn đến suy tủy, suy thận… thậm chí ung thư, đột biến gien.PV