Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Trăn trở về vấn đề xúc tiến đầu tư!

Thứ sáu, 23/02/2018 09:56
Mặc dù được biết đến là một tỉnh nghèo, bị ảnh hưởng hạn mặn, biến đổi khí hậu nặng nề nhưng Bạc Liêu lại có nhiều tiềm năng phát triển vẫn chưa được khai thác đúng hướng. Để góp phần đưa địa phương đi lên, trở thành một trong những tỉnh khá trong khu vực, Bạc Liêu đã xác định hướng đi vững chắc, đề ra chiến lược 'khẩn hoang' để khai thác những tiềm năng vốn có của địa phương.
Ông Trung trăn trở khi nguồn vốn đầu tư cho việc áp dụng nuôi tôm công nghệ cao quá lớn
 mà đời sống và kinh tế của các nông hộ lại gặp nhiều khó khăn

Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, vấn đề xúc tiến, kêu gọi đầu tư ở Bạc Liêu còn khá “mờ nhạt”. Với sự quan tâm và “gợi ý” của lãnh đạo trung ương, cùng với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bạc Liêu đã định hình được hướng phát triển bền vững, lâu dài và khai thác tiềm năng vốn có của mình.

Biến “nguy cơ” thành “thời cơ”

Nói về vấn đề định hướng phát triển, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thủ tướng đã đặt vấn đề với Bạc Liêu phải biết “biến nguy cơ thành thời cơ”. Phải thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi đất xâm nhập mặn sang nuôi tôm để phát triển kinh tế. Nước mặn thì nuôi tôm, nước ngọt thì trồng lúa”.

Từ lời gợi ý trên, địa phương quyết định chọn nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực giúp phát triển kinh tế”. Theo đó, tỉnh xác định lấy con tôm làm trọng tâm, và tiến đến xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm duy nhất của cả nước. Đồng thời, sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng cao giá trị nông sản. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung khai thác nguồn năng lượng tái tạo và phát triển trọng tâm các lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, giáo dục, y tế chất lượng cao.

Bạc Liêu xác định Nông nghiệp công nghệ cao (mũi nhọn là con tôm) và Năng lượng tái tạo (điện gió) là 2 trụ cột chính về kinh tế của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành thủ phủ ngành tôm lớn nhất của cả nước và là một trong những tỉnh khá đứng vào tốp giữa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Với định hướng đó, trong năm 2018 Bạc Liêu xác định sẽ tập trung kêu gọi và có nhiều chính sách thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào địa phương. Chủ tịch Dương Thành Trung cho biết: “Năm 2018, tỉnh sẽ thu hút đầu tư tăng gấp 10 lần so với những năm trước. Cụ thể là Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018 sắp tới”.

Với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”, trong 2 ngày 29 và 30/1, Bạc Liêu sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của khoảng 500 đại biểu khách mời đến từ các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Được biết, đây là hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên được tổ chức quy mô sau hơn 20 năm tái lập tỉnh.

Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng thể hiện sự phát triển và tiềm năng của Bạc Liêu: Công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Lễ khởi công Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3, công suất 142 MW; Lễ khởi công Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển con tôm Bạc Liêu, Lễ thả tôm mô hình siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt Úc và động thổ xây dựng biểu tượng con tôm Việt (mô hình con tôm lớn nhất thế giới).

Thông qua những hoạt động trên, hội nghị sẽ giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cũng như cơ hội đầu tư tại Bạc Liêu, nhấn mạnh các cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp qua đó góp phần thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế. Đồng thời, góp phần quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh của tỉnh Bạc Liêu đến với doanh nghiệp tổ chức trong và ngoài nước. Hội nghị sẽ là “bàn đạp” mở đầu việc thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, góp phần phát triển và khai thác nguồn lực kinh tế địa phương.

Nói về việc “biến” con tôm trở thành “thủ lĩnh” ngành nông nghiệp tỉnh, ông Dương Thành Trung cho biết, khi khu công nghệ cao ngành tôm hoàn thành sẽ tạo nên một sự bức phá mới cho kinh tế Bạc Liêu. Khu công nghệ cao bao gồm nhiều hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm nhiều địa phương khác.

Theo ông Trung, áp dụng mô hình này có thể kiểm soát được thời tiết, không lệ thuộc vào thiên tai bất lợi, kiểm soát được mầm bệnh, nguồn nước, làm chủ khoa học kỹ thuật… So với các phương thức truyền thống, mô hình này khi đưa vào sản xuất sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao, “trăm nuôi trăm thắng”. “Mặc dù khu công nghệ cao của địa phương chưa khởi công nhưng hiện nay đã có hơn 100 mô hình nuôi tôm công nghệ cao triển khai thực hiện và thu được kết quả cao”, ông Trung nói.

Đôi điều trăn trở

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà ông Trung trăn trở là nguồn vốn đầu tư cho việc áp dụng nuôi tôm công nghệ cao quá lớn trong khi đời sống và kinh tế của các nông hộ lại gặp nhiều khó khăn. Ở góc độ tỉnh chỉ có thể hỗ trợ người dân trong thông tin, chính sách… còn cung cấp vốn thì cần sự vào cuộc của ngân hàng. “Điều mong muốn của tỉnh là các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao cùng đồng hành và lan tỏa với người dân, giúp cho người dân từ khâu nuôi tôm công nghệ cao cho khâu thu mua để ngân hàng yên tâm cho người dân vay vốn”, ông Trung tâm sự.

Ngoài ra, để thực hiện mô hình này cần giải quyết nhiều khó khăn như hệ thống cơ sở hạ tầng, thủy lợi bị bồi lắng rất nhanh, kiểm soát mặn ngọt. Tập trung nguồn lực như điện cho vùng nuôi tôm, không để vùng này bị thiếu điện...

Trụ cột thứ hai được địa phương xác định là phát triển năng lượng tái tạo nhằm gia tăng thu hút vốn đầu tư. Được biết, trước đó Chính phủ đã cho phép Bạc Liêu rút khỏi Dự án Nhiệt điện Cái Cùng. Theo đó, Bạc Liêu xác định năng lượng tái tạo và hướng đi vững chắc của địa phương.

“Khi quyết định rút khỏi Dự án Nhiệt điện Cái Cùng chuyển sang năng lượng tái tạo là cả một sự đấu tranh. Khi họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhiều ý kiến cho rằng dự án nhiệt điện sẽ giúp địa phương thu ngân sách khoảng 500 – 700 tỷ mỗi năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Nhưng chúng tôi xác định năng lượng tái tạo là hướng đi mới giúp giữ môi trường trong sạch, phục vụ phát triển nuôi tôm công nghệ cao cũng như thu hút vốn đầu tư”, ông Trung chia sẻ.

Bạc Liêu cũng xác định việc chuyển hướng sang phát triển năng lượng tái tạo sẽ thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế theo định hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ông Trung khẳng định “Bạc Liêu phát triển kinh tế nhưng quyết tâm giữ môi trường sạch”.

Khi được hỏi “Tại sao nhà đầu tư phải chọn Bạc Liêu để đầu tư năng lượng tái tạo?” thì ông Trung cho biết, hiện nay Bạc Liêu đã có một dự án điện gió đầu tư thành công. Đồng thời, tỉnh đã rút khỏi nhiệt điện, tập trung chuyển hướng sang năng lượng tái tạo nên khi nhà đầu tư đến đây sẽ được trung ương và địa phương tạo điều kiện thuận lợi. “Khi nhà đầu tư đến, chính quyền sẽ hỗ trợ tối đa”, Chủ tịch Dương Thành Trung khẳng định.

Để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế thì vấn đề nguồn nhân lực là một trong những khó khăn cần giải quyết. Ông Trung cho rằng hiện tại gặp hai cái khó, đó là môi trường làm việc và vấn đề biên chế. Cần tạo cho cán bộ, người lao động môi trường làm việc thông thoáng, hiệu quả, có điều kiện phát huy năng lực bản thân. Xu thế của Đảng và Nhà nước hiện nay là tinh giản biên chế, vì vậy địa phương cần chắt lọc những cán bộ có tâm huyết, có động lực làm việc, góp phần nâng cao chất lượng công việc và góp phần phát triển kinh tế.

Theo Pháp Luật VN: Long Đỉnh – Đình Thương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực