Doanh nghiệp Bạc Liêu: Vượt khó, tăng năng lực cạnh tranh để phát triển

Thứ năm, 21/09/2017 09:06
Trước sức ép cạnh tranh kinh doanh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng. Thành quả này xuất phát từ nhiều giải pháp phù hợp mang tính căn cơ, lâu dài của các DN trong việc tái cấu trúc công ty, mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm…

Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững
đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến thủy sản. 

Những năm qua, trước những rào cản, đòi hỏi khắt khe từ các nước nhập khẩu và sự cạnh tranh về giá, chất lượng của con tôm đến từ Thái Lan, Ấn Độ… khiến thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam mất dần chỗ đứng. Để vượt qua những thử thách, khó khăn đó buộc các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trong tỉnh phải tìm hướng đi riêng cho mình để giành lại thị phần nội địa lẫn xuất khẩu.

Bà Âu Ngọc Vững, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu (CPCBTSXK) Âu Vững (TX. Giá Rai), cho biết: “Để giải quyết bài toán tôm nguyên liệu, chúng tôi chọn nhà cung cấp nguyên liệu không những ổn định về sản lượng  mà còn phải đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, để có thể cạnh tranh với con tôm nước ngoài, DN đã liên kết với Công ty Cổ phần Việt Úc nuôi tôm siêu sạch. Đồng thời liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi trồng thủy sản quảng canh cải tiến ở TX. Giá Rai và huyện Phước Long để chủ động nguồn tôm nguyên liệu sạch, chất lượng”. Bên cạnh đó, Công ty CPCBTSXK Âu Vững thường xuyên đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại để chế biến và kiểm tra nguồn tôm nguyên liệu nhập vào nhà máy nhằm loại bỏ tôm có chứa tạp chất và kháng sinh. Từ các giải pháp đó nên những năm qua, tôm của DN này luôn chinh phục được các thị trường, kể cả thị trường xuất khẩu khó tính nhất.

Năm 2017, Công ty CPCBTSXK Âu Vững tiếp tục chinh phục thị trường Nga, Đức, Bỉ, Hàn Quốc… và đặt kế hoạch xuất khẩu đạt 10.000 tấn thủy sản/năm (năm 2016 là 5.200 tấn).

Cùng với đó, các DN điện máy, điện tử, viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng năng động tìm kiếm thị trường, giữ vững thương hiệu. Anh Đoàn Chí Nguyện, quản lý Siêu thị Điện máy Chợ lớn Bạc Liêu, chia sẻ: “Trước sức ép cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, chỉ cần vài thiết bị, công nghệ lạc hậu là sẽ bị DN khác chiếm thị phần. Vì vậy chúng tôi phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, chủ động cho giá sản phẩm luôn thấp hơn nhưng chất lượng đảm bảo. Nhờ đó, siêu thị mới có thể giữ vững thị phần, phát triển ổn định”.

Đối với các DN xăng dầu, cuộc đua chiếm lĩnh thị phần cũng diễn ra gay go không kém. Năm 2017 có nhiều biến động đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, mức độ cạnh tranh giữa các DN kinh doanh xăng dầu ngày càng quyết liệt. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo, Chi nhánh Xăng dầu Bạc Liêu (Petrolimex Bạc Liêu) đã tạo sự tín nhiệm lớn nơi khách hàng và không ngừng tăng trưởng, giữ vững vị thế.

Với hơn 100 điểm bán lẻ xăng dầu (trong đó có 21 cửa hàng trực thuộc và 82 đại lý tư nhân), Chi nhánh Xăng dầu Bạc Liêu đang đứng vị trí số 1 trên thị trường xăng dầu tỉnh với hơn 43% thị phần (năm 2016 là 41%). Đến cuối năm 2017, đơn vị hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, dù đối diện với nhiều khó khăn, song, bằng bản lĩnh và sự năng động, các DN trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên. Tuy nhiên, để các DN phát triển hơn nữa, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường, kêu gọi đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; hỗ trợ cải tiến công nghệ, đầu tư vốn cho DN. Qua đó giúp các DN nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm... để vững vàng hội nhập và không ngừng phát triển.

Theo báo Bạc Liêu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực