Hiểm họa từ những đáy dây neo trên sông Gành Hào – Hộ Phòng

Thứ sáu, 07/07/2017 10:42
Thời gian gần đây, tuyến sông Gành Hào – Hộ Phòng thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu xuất hiện tình trạng người dân đặt đáy dây neo (dụng cụ bắt thủy hải sản) dày đặc trên sông khiến các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông khó khăn, tiềm ẩn tai nạn giao thông, đồng thời làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Hiểm họa từ những đáy neo dày đặc. (Nguồn Pháp luật VN)

Việc người dân đặt đáy neo đánh bắt thủy hải sản trên tuyến sông này xuất hiện nhiều năm qua. Hàng năm, cứ vào mùa mưa, đầu vụ cá tôm là những đáy dây neo dày đặc xuất hiện trên tuyến sông Gành Hào – Hộ Phòng, đặc biệt là các đoạn ngã ba, ngã tư sông. Cửa sông Gành Hào đi huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau, đoạn ngã ba sông Rạch Cốc, ngã ba Kênh Xáng và tuyến Kênh Xáng Hộ Phòng... đáy neo chiếm hơn nửa tuyến sông. 

Anh Trần Quốc Quý, người dân sống ở khu vực này cho biết, việc đặt đáy neo năm nào cũng xuất hiện gây mất an toàn giao thông thông đường thủy, nhất là ban đêm, nguy cơ chìm tàu là không tránh khỏi. Nơi đây từng xảy ra một vụ tai nạn do tàu mắc phải dây neo vào ban đêm khiến một người chết và một người bị thương. 

Mặc dù ngành chức năng địa phương đã tích cực tuyên truyền và thực hiện nhiều biện pháp tháo dỡ nhưng chưa xử lý dứt điểm tình trạng này. Nguyên nhân là do việc đặt đáy neo đánh bắt thủy hải sản cho thu nhập rất cao, nên số người dân đặt đáy neo ngày càng tăng. Chi phí đầu tư cho mỗi cọc neo (gồm dây, phao, lưới... bắt thủy hải sản) dài từ 20 – 40m từ 5 – 7 triệu đồng, thu nhập bình quân của mỗi người đặt đáy neo từ 1 – 2 triệu đồng/ngày, thậm chí có người thu nhập trên 4 triệu đồng. Ngoài ra, người đặt đáy neo đa phần không phải dân tại địa phương, sau khi ngành chức năng cưỡng chế tháo dỡ thì họ lại lắp đặt hệ thống đáy neo khác ngay tại vị trí cưỡng chế. 

Ngoài việc gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, việc đặt đáy neo sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái biển do việc khai thác quá mức lượng thủy hải sản trên những tuyến sông, nhất là có hình thức tận diệt, bắt cả cá lớn lẫn cá bé. Tình trạng kéo dài sẽ làm ô nhiễm môi trường khiến hoạt động nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. 

Trước thực trạng này, Ban An toàn giao thông huyện Đông Hải nhiều lần phối hợp với ngành chức năng giải tỏa đáy neo nổi đánh bắt thủy sản trên kênh xáng Hộ Phòng – Gành Hào, tạm giữ 24 phao đặt đáy neo nổi để xử lý, số còn lại (gồm 58 phao đặt đáy neo nổi và 6 miệng đáy) vận động chủ sở hữu tự tháo dỡ. Ngoài ra, lực lượng chức năng nhắc nhở hơn 240 hộ tháo dỡ nò, đó, lú ở những tuyến sông chính như: Kênh Huyện Kệ, Xóm Lung – Cái Cùng, Rạch Cóc – Khâu – Kinh Tư, Khâu – Đầu Lá… bàn giao tuyến luồng cho UBND các xã, thị trấn quản lý, chống tái lấn chiếm, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và khơi thông dòng chảy, chống bồi lắng về sau. 

Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó ban An toàn giao thông tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân tham gia giao thông đường thủy và các hộ dân làm ăn sinh sống ven sông; vận động người dân chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phân công trách nhiệm từng thành viên tham gia xây dựng và củng cố các mô hình văn hóa giao thông đường thủy./. 

theo TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực