Một số nhiệm vụ và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai đến năm 2020 Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng chống thiên tai (PCTT). Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, PCTT; điều chỉnh, lồng ghép nội dung BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; khắc phục sự chồng chéo, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác PCTT, ứng phó với BĐKH; tập trung đầu mối, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh, liên vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa; cơ chế để nhân dân giám sát việc thực hiện công tác ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai có hiệu quả. Tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn bảo đảm quan trắc đầy đủ và chính xác các yếu tố khí hậu; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, BĐKH, nước biển dâng, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật; tăng cường giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH, PCTT. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho ứng phó với BĐKH và PCTT. Kết hợp tăng chi từ ngân sách; đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho ứng phó với BĐKH, PCTT; bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các dự án giảm phát thải khí nhà kính… Đồng thời tranh thủ vốn từ chương trình mục tiêu của Trung ương về BĐKH để có thêm nguồn lực thực hiện Nghị quyết. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với BĐKH, PCTT; hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển. Tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, liên tỉnh, liên vùng trong việc lồng ghép các nhiệm vụ về BĐKH vào trong quy hoạch, xây dựng chương trình, dự án của tỉnh Bạc Liêu phù hợp với phát triển của vùng. Thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, BĐKH; học tập kinh nghiệm các địa phương khác về ứng phó BĐKH, PCTT và trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh lân cận và trong khu vực, các tổ chức và các diễn đàn quốc gia, quốc tế để bảo vệ các nguồn nước liên vùng, liên tỉnh, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, PCTT; chủ động hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… về khí tượng thủy văn và BĐKH. |