Nhiều hộ dân ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) phải di dời do sạt lở.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong những năm gần này, ảnh hưởng của BĐKH đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều hộ dân. Ngoài hạn hán, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản, triều cường, sóng to gió lớn cùng sự xâm thực của nước biển càng lấn sâu vào đất liền, cộng thêm sạt lở... đã làm cho sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Nông nghiệp, từ khi tái lập tỉnh Bạc Liêu đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra quy thành tiền hơn 1.150 tỷ đồng. Vì vậy, để chủ động ứng phó và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 04/NQ-TU, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TU. Trong đó, đề ra nhiều giải pháp quan trọng để ứng phó với quá trình BĐKH và hướng đến xây dựng những mô hình phát triển bền vững.
Một trong những giải pháp được ưu tiên tập trung chỉ đạo là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là công tác chủ động ứng phó với BĐKH, phòng chống giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức triển khai tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới của Trung ương và địa phương về BĐKH, tài nguyên và bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Cũng như thông báo, thông tin tình hình BĐKH trên các phương tiện thông tin đại chúng; đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục; khuyến khích người dân tích cực tham gia vào các hoạt động thích ứng với BĐKH, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện tốt công tác phối hợp, liên kết và tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác ứng phó với BĐKH, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai với các viện, trường, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh khu vực ĐBSCL...
Chủ động ứng phó
Rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với BĐKH và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong thời gian qua, Bạc Liêu sẽ thực hiện phương châm chủ động ứng phó thông qua việc nâng cao năng lực giám sát BĐKH, dự báo, cảnh báo thiên tai; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản BĐKH, nước biển dâng trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Song song đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị tác động của thiên tai, nhằm góp phần giảm thiệt hại do BĐKH gây ra và từng bước xây dựng thành công các mô hình sản xuất “sống chung” với BĐKH.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thích với BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, củng cố và xây dựng mới các công trình giao thông, đê bao và hệ thống cấp - thoát nước, nhất là vùng ven biển và khu vực TP. Bạc Liêu. Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm với độ chính xác cao và biện pháp ứng phó với thiên tai; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn cho tỉnh theo nội dung Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó là tăng cường đầu tư thực hiện và xây dựng nhanh các chương trình, dự án nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ và đẩy mạnh phục hồi, trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng tự nhiên; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, đô thị, nông thôn ven biển theo hướng phù hợp với kịch bản nước biển dâng; từng bước xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt, xâm nhập mặn theo kịch bản nước biển dâng của tỉnh đến cấp xã, nhất là vùng ven biển để có các biện pháp thích ứng và ứng phó phù hợp; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của triều cường, bão gây ngập lụt và có nguy cơ sạt lở cao như: huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Tăng cường mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về nguồn nước, nhằm hạn chế tác động của xâm nhập mặn, nước biển dâng. Đồng thời, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và khí các-bon thấp, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, trồng rừng phòng hộ ven biển...; ưu tiên thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các biện pháp chống mất rừng, suy thoái rừng và tạo sinh kế cho người dân. Xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống mạng lưới trạm khí tượng - thủy văn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo về thiên tai và chủ động ứng phó với BĐKH; sử dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ ngập lụt nhằm dự báo, khoanh định khu vực bị ngập lụt do ảnh hưởng của nước biển dâng; kết hợp với công nghệ quan trắc tự động, liên tục, dữ liệu về khí tượng thủy văn để cập nhật tự động, liên tục bản đồ ngập lụt và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho ứng phó với BĐKH và phòng chống thiên tai...