Sản phẩm từ mô hình trồng rau thủy canh của Hội Nông dân phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai). Ảnh: C.L Rau sạch vẫn khó tiêu thụ - vì sao?
Khi nạn ô nhiễm thực phẩm trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng, thì việc phát triển và lựa chọn những mô hình sản xuất sạch trở thành lựa chọn ưu tiên của người nông dân, nhất là sản xuất rau màu - nhóm thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển nhiều mô hình trồng rau sạch, (với tổng diện tích sản xuất hơn 14.000ha) nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể kể đến như Hội Nông dân phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai) đã và đang phát triển khu trồng rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 160m2.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổ trưởng tổ hợp tác rau thủy canh phường Hộ Phòng cho biết: “Mô hình trồng rau an toàn không chỉ cho năng suất khá cao mà còn đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cộng đồng. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích trồng rau thủy canh trong nhà lưới”.
Tương tự như TX. Giá Rai, các mô hình sản xuất rau an toàn, rau sạch cũng được phát triển mạnh ở nhiều địa phương như: mô hình rau cần nước (huyện Phước Long); trồng dưa leo, khổ qua (huyện Vĩnh Lợi); trồng cải rổ, hẹ lá, ngò rí (TP. Bạc Liêu)… Thế nhưng trên thực tế, các mô hình sản xuất rau sạch, an toàn vẫn chưa được phát huy và luôn gặp khó về đầu ra. Người nông dân luôn phải đối mặt với cảnh “trúng mùa, mất giá”, thậm chí có vụ nông dân bỏ cả rẫy rau màu không thu hoạch vì giá quá thấp. Thậm chí, có vụ do “dội hàng” nên bán chẳng ai mua, phải “đứt ruột” đổ xuống sông.
Ông Lâm Vĩnh Chân - Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu: CẦN XÂY DỰNG QUY HOẠCH CHO VÙNG CHUYÊN MÀU
Để phát huy giá trị của cây màu và đảm bảo sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ, kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và các ngành cần quan tâm xây dựng quy hoạch cho vùng chuyên canh rau màu. Bởi khi có quy hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư hạ tầng, đặc biệt là khuyến khích được các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hợp tác sản xuất với nông dân. Vì khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, do không có sẵn quy hoạch nên muốn phát triển, xây dựng vùng nguyên liệu doanh nghiệp lại phải xin chủ trương, xin quy hoạch sản xuất… Điều này làm cho các doanh nghiệp không an tâm khi nhà đầu tư bỏ tiền tỷ vào các dự án phát triển sản xuất mà không có quy hoạch để phát triển ổn định trong tương lai.
Bên cạnh đó, có quy hoạch còn kéo theo sự đầu tư về hạ tầng thủy lợi, vì vùng sản xuất rau màu của TP. Bạc Liêu hiện nay thường hay bị ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn.
“Nút thắt” ở đâu?
Phải thừa nhận rằng, nhu cầu tiêu thụ rau sạch hay rau an toàn luôn có, vậy đâu là nguyên nhân làm cho cây màu của tỉnh Bạc Liêu vẫn luôn gặp khó về đầu ra, luôn bị động và chưa thể “chen chân” vào các siêu thị trên địa bàn của tỉnh?
Có thể nói, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cây màu chưa phát huy giá trị chính là thiếu sự đầu tư và cả những giải pháp chiến lược. Thực tiễn đã chứng minh, lợi nhuận mang lại từ 1ha sản xuất rau màu cao bằng 10 - 15ha sản xuất lúa. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ phát triển cây màu gần như chưa có gì. Cụ thể như vùng chuyên màu của TP. Bạc Liêu được mệnh danh là “vành đai xanh” có tổng diện tích gieo trồng sản xuất màu lớn nhất tỉnh, với gần 4.000ha và cho tổng sản lượng gần 55.000 tấn/năm. Thế nhưng, đến nay tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được quy hoạch vùng chuyên canh cho sản xuất rau màu. Không có quy hoạch cũng đồng nghĩa với việc chưa được đầu tư về hạ tầng, chưa thể sản xuất rau sạch, rau an toàn hay hình thành các vùng chuyên canh khi các hộ trồng màu mạnh ai nấy sản xuất theo tập quán gia đình. Đây là nguyên nhân chính làm cho các siêu thị, các doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa thể ký kết hợp đồng bao tiêu vì chưa xây dựng được vùng sản xuất an toàn theo quy hoạch, chưa sản xuất tập trung để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn.
Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) thu hoạch rau màu bị mưa lớn gây ngập úng. Ảnh: L.D
Cây màu gặp khó về đầu ra, nông dân “tự bơi” với sản phẩm của mình để rồi bị đẩy vào cảnh “may nhờ, rủi chịu”, còn một nguyên nhân khác chính là ngành quản lý vẫn chưa làm tốt công tác hỗ trợ và xúc tiến thị trường tiêu thụ dẫn đến thị trường luôn bị phân khúc và chưa hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình “từ cánh đồng đến nhà máy”. Cụ thể như, ngành quản lý khuyến khích nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được điểm bán rau sạch, rau an toàn. Do vậy, nhiều mô hình sản xuất sạch nhanh chóng bị phá sản, nông dân quay lại với mô hình sản xuất như trước, tiếp tục lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, lợi nhuận mà không quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lâm Đại Hoàng - một hộ sản xuất rau sạch ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Các loại rau sạch trồng trong nhà lưới giá bán phải cao hơn rau thường từ 20 - 25% thì mới có lãi. Tuy nhiên, khi đem ra các chợ bán thì rất ít người mua vì không thể phân biệt rau sạch do không có điểm bán riêng về rau sạch”. Cũng chính vì bất cập này mà một số cây màu sau khi đã xây dựng xong tổ hợp tác - hợp tác xã sản xuất, thương hiệu cho sản phẩm nhưng lại không thể phát huy được giá trị. Thế là hợp tác xã phải xin giải thể, thương hiệu xây dựng xong rồi bỏ đó mà cây ngò rí của xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) là một minh chứng cụ thể nhất.
Để gỡ khó về đầu ra cho cây màu như: tìm thị trường ổn định, có sự bảo hộ cho người sản xuất, thiết nghĩ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, quan tâm hơn nữa của ngành quản lý, tránh việc “đem con bỏ chợ”!